UBTVQH họp phiên bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19

UBTVQH họp phiên bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định ngay, triển khai kịp thời trong tình hình hiện nay. Do đó, ngay sau khi Chính phủ trình nội dung, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, trước đó các cơ quan của Quốc hội đã rất chủ động nắm tình hình .

UBTVQH họp phiên bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp bất thường sáng 8/4. Ảnh: Quang Khánh

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phòng, chống dịch cũng như quan tâm đến vấn đề ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống của người dân. Đặc biệt Chính phủ chủ động đề xuất đưa ra các chính sách biện pháp để hỗ trợ người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay, có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến người dân, hạn chế thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

UBTVQH họp phiên bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh 2
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Theo báo cáo, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.

Ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.

Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19. Việc hỗ trợ dựa trên bốn nguyên tắc.

Một là, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Hai là, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Ba là, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Bốn là, ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này.

Về đối tượng, mức hỗ trợ, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề xuất 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền do Covid-19.

Về quy mô hỗ trợ, dự kiến Nhà nước sẽ chi khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng. Trong dó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỷ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư...

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 - 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện.

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ