U Minh giảm nghèo hiệu quả nhờ chính sách an dân

GD&TĐ - Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện U Minh (Cà Mau) giảm sâu.

Một góc huyện U Minh nhìn từ trên cao.
Một góc huyện U Minh nhìn từ trên cao.

Nhắc đến vùng đất U Minh Hạ, thường nhiều người sẽ có suy nghĩ đó là nơi xa xôi, hạ tầng kém phát triển, dân cư thưa thớt, cuộc sống người dân khó khăn, hộ nghèo cao... Tuy nhiên, hiện tại nếu có dịp trở lại đây, chắc chắn mọi người sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi của vùng đất từng một thời hứng chịu mưa bom, bão đạn của kẻ thù trong chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”.

Đổi thay xứ rừng

Để tạo được sự đổi thay đó, thời gian qua, huyện U Minh đã triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững.

Hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông, thuỷ lợi trên địa bàn không ngừng được đầu tư, phát triển. Đến nay toàn huyện có trên 1.125 km đường giao thông và hơn 450 cây cầu bê tông nối liền các trục giao thông chính từ tỉnh đến huyện và từ huyện đến xã, thị trấn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đi lại của Nhân dân.

Hệ thống điện được đầu tư cơ bản đồng bộ, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 99,7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 57 triệu đồng/người/năm. Huyện đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm trên 57% tổng số xã.

Hạ tầng giao thông huyện U Minh không ngừng phát triển.

Hạ tầng giao thông huyện U Minh không ngừng phát triển.

Huyện U Minh nhìn từ trên cao.

Huyện U Minh nhìn từ trên cao.

Gia đình Ông Trần Văn Hậu ngụ ấp 16, xã Khánh Thuận đã có gần 30 năm gắn bó với xứ rừng U Minh Hạ. Ông Hậu cho biết, những ngày đầu về đây lập nghiệp, cuộc sống cơ cực, thiếu trước hụt sau đã khiến ông không ít lần có ý định bỏ đi nơi khác.

“Tôi từ nơi khác về đây lập nghiệp, lúc đó ở đây còn hoang vu lắm, dân cư thưa tốt, không đường, không điện. Tôi có suy nghĩ ở đâu cũng vậy, chỉ cần chịu khó siêng năng, cần cù lao động thì đất sẽ không phụ công người, nên vẫn chọn giải pháp ở lại với quyết tâm làm giàu trên đất rừng, bởi ông bà ta từng nói “rừng vàng, biển bạc”, ông Hậu chia sẻ.

Từ một hộ nghèo với vài hecta đất rừng ban đầu được cấp, đến nay gia đình ông Hậu đã mua được tổng cộng hơn 30 ha rừng, vừa trồng tràm, vừa trồng keo lai, trở thành một trong những hộ khá giả trong ấp.

Anh Nguyễn Vũ Linh vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng gừng, hoa màu.

Anh Nguyễn Vũ Linh vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng gừng, hoa màu.

Không riêng gia đình ông Trần Văn Hậu, nhiều hộ ở huyện U Minh trước đây thuộc diện khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo nay cũng có cuộc sống ổn định nhờ kinh tế rừng phát triển. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo không có đất rừng, ít đất sản xuất, đã qua, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ bằng nhiều giải pháp khác nhau như: Cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo công ăn việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cùng nhiều chính sách khác để vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Vũ Linh ngụ ấp 11, xã Khánh Thuận nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo do ít đất sản xuất, phải nuôi cha mẹ già. Tuy nhiên, kể từ khi được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng nhà ở và hỗ trợ vay vốn sản xuất.

Anh Linh bắt tay thực hiện mô hình chăn nuôi heo kết hợp gà vịt, đồng thời tận dụng đất bờ kênh trồng cây ăn trái và hoa màu tăng thêm thu nhập. Nhờ chịu khó làm ăn, biết chắt chiu, tích lũy, hiện tại gia đình anh Nguyễn Vũ Linh đã mua được 4 hecta đất rừng chủ yếu trồng keo lai và 1 hecta đất rẫy, trở thành hộ có thu nhập khá, thoát nghèo bền vững ở địa phương.

Nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo

Huyện U Minh có 7 xã, 1 thị trấn thì có đến 4 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, 2 xã bãi ngang ven biển, 38 ấp đặc biệt khó khăn, từng được xem là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong tỉnh Cà Mau. Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm đến 21,69%, tương đương gần 5.400 hộ nghèo. Tuy nhiên, với việc thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, đến cuối năm 2023, qua rà soát trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 1.200 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới), chiếm tỷ lệ 4,69%; hộ cận nghèo có 426 hộ chiếm 1,61%.

“Hiện nay trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo; có 4 ấp đã xóa trắng hộ nghèo, cận nghèo. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, do huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giảm nghèo hàng năm bình quân 2,08%”, ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh thông tin.

Lãnh đạo huyện U Minh tham gia công tác an sinh xã hội.

Lãnh đạo huyện U Minh tham gia công tác an sinh xã hội.

Năm 2024, huyện U Minh đề ra mục tiêu phấn đấu tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên; xóa trắng hộ nghèo tại thị trấn U Minh.

“Để đạt được mục tiêu trên, từ đầu năm chúng tôi đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành Quyết định phân công các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, các cơ quan tỉnh đóng trên địa bàn huyện phụ trách, giúp đỡ 49 ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin); xây dựng mô hình xóm, tuyến, khu dân cư không có hộ nghèo, ấp không có hội viên Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn viên là hộ nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ.

Triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân”, ông Thịnh nêu giải pháp.

Trong những năm kháng chiến, vùng đất U Minh có nhiều thay đổi về hành chính qua các giai đoạn lịch sử, có lúc là một phần của huyện Trần Văn Thời, có lúc là một phần của huyện Thới Bình. Ngày 20/5/1979 huyện U Minh chính thức được thành lập, đến nay tròn 45 năm. Khi mới thành lập, huyện có 11 xã và 1 thị trấn, qua các lần điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay huyện có 7 xã, 1 thị trấn, với diện tích trên 77.500 km2, dân số trên 102.000 người, với 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.