Tỷ phú cam sành xứ miệt vườn

GD&TĐ - Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm đến nhà “tỷ phú cam sành” xứ miệt vườn này, vì người nông dân dễ thương, dễ tính ấy vốn dĩ rất nổi tiếng ở cả nước nói chung, Vĩnh Long nói riêng.

Tỷ phú cam sành xứ miệt vườn

Mới đây anh lại vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi năm 2016” và cũng là nông dân duy nhất của Vĩnh Long vinh dự nhận danh hiệu này. Đó là Phan Văn Chung, sinh năm 1973, ở ấp Phạm Thị Mến (xã Trà Côn, Trà Ôn, Vĩnh Long).

Tay trắng làm nên

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang nhưng giản dị giữa vườn cây xanh mát, anh Chung chưa hết thổ lộ vẫn chưa hết được cảm xúc khó tả về sự tôn vinh mới đây:

“Được nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi vừa bất ngờ, mừng vui lại vừa lo lắng. Bất ngờ và mừng vì thành quả lao động, khả năng sáng tạo khoa học kỹ thuật đã thành công và được xã hội biết đến, trân trọng; lo là mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa để giữ vững danh hiệu và giúp cho nhiều người khác vươn lên làm giàu bằng chính trí tuệ trên ruộng vườn hiện có của mình”.

Cam sành vốn là đặc sản vốn có từ lâu đời trên đất Vĩnh Long nói chung, Trà Ôn nói riêng và được mệnh danh là cây “khó tính” hay cây “nhà giàu”, bởi phải chăm sóc rất chi li, chu đáo, nhất là có biện pháp phòng trừ sâu bệnh và một số loại bệnh nguy hiểm khác.

Từ đó nông dân luôn ngán ngại khi trồng cam sành vì độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu nắm bắt tường tận những đặc điểm riêng của loại cây khó tính này thì mọi việc sẽ ngược lại nhất là nguồn lợi mang về rất cao.

Anh Chung chia sẻ thêm: “Điều quan trọng là mình phải sống chết với nó, không vì lợi nhuận trước mắt để chuyển sang loại cây trồng khác, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật bằng hiểu biết và tư duy của bản thân, không khô cứng trong việc xử dụng phân, thuốc bảo vệ và nắm chắc diễn biến của khí hậu. Cũng nhờ vậy mà từ tay trắng, tôi mới có được ngày hôm nay nhờ vào giống cam sành này”.

Năm 1990, xuất phát cho cuộc hành trình làm giàu từ cây cam sành của người nông dân trẻ tuổi đất miệt vườn này là 5.000 mét vuông đất vườn của cha mẹ cho, tự anh tìm nguồn giống và kỹ thuật để canh tác.

Anh Phan Văn Chung cũng là người tiên phong trồng cam sành trên xã Trà Côn. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật khi lần đầu ra sản phẩm.

Không nản lòng và nặng tình với cây cam sành, anh Chung đã lặn lội sang nhiều địa phương lân cận học hỏi kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu khá nhiều sách vở.

Đất không phụ lòng người, từ năm 2000, vườn cam sành trúng đậm với mức thu về mỗi năm gần 500 triệu đồng, trừ hết chi phí đầu tư anh còn lãi trên 300 triệu đồng mở đầu cho cuộc bứt phá mở rộng diện tích trồng cam của mình.

Từ 5 công đất ban đầu, đến nay anh đã sở hữu đến 140 công cam sành, trừ hết tất cả các khoản đầu tư, mỗi năm anh mang về từ 8 đến 9 tỷ đồng, riêng năm 2016 anh đã lãi đến 10 tỷ đồng, một con số đầy ấn tượng và bất ngờ do giá bán năm nay tăng rất cao từ 25.000 đồng đến 28.000 đồng/kg (tăng hơn 3000 đến 5.000 đồng/kg so với năm 2015).

Không ngại chia sẻ kinh nghiệm cùng giàu

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thái Thân, ngụ tại ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn nói vui: “Ấp này, xã này, thậm chí cả huyện Trà Ôn này đang cải tạo vườn để học theo cách làm của anh Chung, hiệu quả lắm, làm giàu mấy hồi. Ảnh là tấm gương vượt khó làm giàu mà cũng chính là thầy giáo của chúng tôi trong việc trồng cây làm kinh tế đấy”.

Hỏi ra mới biết không chỉ tự thân làm giàu, anh Chung còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn trồng cam sành với mong muốn mọi người đều làm giàu như mình để phát triển, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, vững chắc. Nhiều người từ kinh nghiệm của anh, đã tự mày mò tìm kiếm các giống cây mới, tự lập nên cơ nghiệp cho riêng mình.

Anh Phan Văn Chung chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế: Không để mật độ cây quá dày đặc; không mua giống cây trôi nổi kém phẩm chất mà nên chọn những cơ sở có thương hiệu có uy tín; chỉ để lại khoảng 60% trái, số còn lại nên cắt bỏ để có trái to, đẹp, sáng, bóng; nên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp; thường xuyên tham khảo trên sách, báo để chọn lọc những kiến thức bổ ích áp dụng vào vườn cam của mình; sử dụng phân bón, thuốc đúng quy trình, liều lượng, đúng kỹ thuật và chăm sóc vườn thường xuyên.

Không chỉ giúp bà con cùng kinh doanh sản xuất, anh Chung còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Hiện nay mỗi ngày vườn cam của anh thu hút từ 15 - 20 lao động thuê mướn với giá từ 170.000 đến 200.000 đồng/người/ngày.

Ông Trần Văn Sáu, láng giềng và cũng là người làm thuê cho vườn anh Chung, cho biết: “Gia đình tôi cả 3 cha con đều làm ở vườn này đã sáu năm qua, thu nhập rất ổn định từ 12 đến 14 triệu mỗi tháng cho cả nhà, việc làm lại ổn định quanh năm mà không phải đi xa làm việc vất vả như trước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.