Trong khi đó, mầm bệnh đã ở trong cộng đồng. Giao thương, sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại sau giãn cách, khí hậu mùa đông - xuân cũng là những yếu tố thuận lợi để virus phát triển.
Mầm bệnh “lẩn khuất” trong cộng đồng
Từ 18 giờ ngày 14 - 15/12, Hà Nội ghi nhận 1.357 ca mắc Covid-19. Trong đó, cộng đồng là 611 ca, khu cách ly có 609 và khu phong tỏa 137 trường hợp. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4) tới nay là 21.467 ca. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 8.223.
Số ca mắc đã được cách ly là 13.244. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 từ ngày 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 17.395 ca mắc. Trong đó, 6.691 ca ngoài cộng đồng, 8.165 ca tại khu cách ly và 2.539 ca tại khu phong tỏa.
Trong ngày 15/12, toàn thành phố xét nghiệm 40.493 mẫu, phát hiện 1.357 trường hợp dương tính. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) thực hiện xét nghiệm 9.681 mẫu, phát hiện 643 trường hợp dương tính. Các bệnh viện xét nghiệm 30.812 mẫu, phát hiện 714 trường hợp dương tính với Covid-19.
Số F0 đang được điều trị là 9.886. Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (82), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (175) và 29 bệnh viện của Hà Nội (2.018), 4 cơ sở thu dung điều trị 3.235, các trạm y tế lưu động (3.312) và 1.064 bệnh nhân cách ly điều trị tại nhà.
Số mắc mới tại thành phố từ mốc 100 - 200 trường hợp/ngày vào đầu tháng 11 đã tăng lên 500 ca/ngày vào đầu tháng 12. Trong hơn 10 ngày sau đó, số ca mắc tiếp tục tăng lên 900 - 1.000 ca/ngày. Ngày 14/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, người dân còn chủ quan.
Đặc biệt, tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà.
Trước đó, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cũng nhận định, nguyên nhân số F0 tăng cao là do mầm bệnh đã ở trong cộng đồng. Ngoài ra, giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách; người nhập cảnh; khí hậu mùa đông - xuân thuận lợi để virus phát triển. Đồng thời, người dân có tâm lý chủ quan khi đã tiêm vắc-xin.
Hà Nội vẫn duy trì dịch ở cấp độ 2 (màu vàng). Song, tại quận Đống Đa, 13 xã, phường đã chuyển lên cấp độ 3 (màu cam). Trước diễn biến dịch phức tạp, UBND quận Đống Đa đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người. Hàng quán chỉ được bán mang về, người dân không ra đường khi không cần thiết...
Nên ngừng đếm số ca nhiễm?
Chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn - cho rằng, yếu tố quan trọng là tổ chức cách ly, điều trị F0 tại nhà sao cho hiệu quả. “Vấn đề lớn nhất hiện nay là giải quyết bài toán cách ly, điều trị tại nhà. Tránh lặp lại bài học từ các tỉnh phía Nam thời gian qua.
Chỉ 500/8.000 F0 được cách ly điều trị tại nhà là không phù hợp với tình hình dịch hiện nay”, chuyên gia này cho biết. Cũng theo PGS Hùng, việc bỏ xét nghiệm Covid-19 đối với những người đi lại giữa các vùng miền là hợp lý. Bởi, ca nhiễm dù đang tăng nhưng không quá lo ngại.
Trong khi đó, TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) - cho rằng, sống chung với Covid-19 là chấp nhận có ca nhiễm, nhưng phải ít ca nặng/tử vong. Nếu ca nặng/tử vong còn nhiều là thất bại, không thể sống chung với Covid-19.
“Nới lỏng giãn cách thì dĩ nhiên số ca nhiễm tăng trở lại. Chỉ khi nào nhóm nguy cơ cao được tiêm đầy đủ 2 mũi và đa số được tiêm ít nhất 1 mũi thì mới có thể thấy ca nhiễm nhiều, nhưng bệnh nặng/tử vong ít. Hiện nay, nhiều nơi, người cao tuổi vẫn chưa được tiêm đủ 2 mũi”, TS Trung nhận định.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, vắc-xin cũng mất 2 - 3 tuần mới tạo miễn dịch. Trong khi đó, bảo vệ với chủng Delta từ mũi 1 kém, nên hiệu quả của vắc-xin trên cộng đồng vẫn khiêm tốn.
Trước bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng, Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) - nhận định, Việt Nam nên tham khảo chủ trương của Singapore. Đó là ngừng đếm số ca dương tính với Covid-19, khi tỷ lệ tiêm chủng cao.
“Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, con số dương tính không còn ý nghĩa nữa. Số ca dương tính xảy ra hiện nay không phải là điều quá quan tâm. Số ca dương tính sau tiêm vắc-xin là một phản ảnh sự tăng cường miễn dịch trong cộng đồng.
Vì thế, số ca dương tính hiện nay không còn ý nghĩa như thời gian trước tiêm vắc-xin”, Giáo sư Tuấn chia sẻ. Cũng theo ông, Covid-19 sẽ tiến hóa như cúm mùa. Do đó, việc đếm số ca mắc không còn cần thiết.