Tỷ lệ thí sinh ảo có đáng lo?

GD&TĐ - Việc các cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển sớm khiến không ít người lo ngại tỷ lệ thí sinh ảo.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ

Theo đại diện các cơ sở đào tạo, điều này không thể tránh khỏi trong công tác tuyển sinh nhưng sẽ không cao.

Không cao hơn năm trước

Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển thông qua hệ thống phần mềm. Theo đó, thí sinh trúng tuyển có điều kiện ở các phương thức theo hình thức xét tuyển sớm đều phải đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh hơn 5.860 chỉ tiêu, với 18 nhóm ngành; trong đó có 43 ngành đào tạo trình độ đại học và có 6 chương trình tiên tiến chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh. TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Quản lý đào tạo cho hay, Học viện dành 50% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển sớm. 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Học viện đã hoàn thành việc xét tuyển sớm và cập nhật thông tin lên Hệ thống theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đặt vấn đề về tỷ lệ thí sinh ảo, TS Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận, thực trạng này khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với việc lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển trên Hệ thống và thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất, chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể. “Tôi tin, năm nay tỷ lệ thí sinh ảo sẽ không cao hơn năm trước, thậm chí có thể thấp hơn, vì Hệ thống ngày càng được cải tiến và hoàn thiện”, TS Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.

Khẳng định, Hệ thống không làm mất quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính ghi nhận, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đào tạo và thí sinh.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Trường ĐH Hà Nội

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Trường ĐH Hà Nội

“Từ kết quả tuyển sinh năm 2022, tôi tin năm nay, Hệ thống tiếp tục lọc ảo tốt với tất cả phương thức xét tuyển. Vì thế, không đáng quan ngại về tỷ lệ thí sinh ảo như những năm trước”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch bày tỏ, đồng thời viện dẫn, trước kia, tỷ lệ ảo có thể lên đến 30% nhưng năm 2022 nhờ hệ thống lọc ảo nên chỉ còn 5 - 6%.

“Có thể nói, Hệ thống lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển đã góp phần tạo nên thành công trong mùa tuyển sinh. Nhờ quy định này, tỷ lệ ảo của cơ sở đào tạo đã giảm rõ rệt”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch nhìn nhận.

Cần làm tốt công tác dự báo

Theo TS Võ Thanh Hải, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển (khoảng 20 phương thức) cũng khiến các trường gặp một số khó khăn nhất định trong tuyển sinh, trong đó có tỷ lệ thí sinh ảo. Thực tế cho thấy, 3 năm gần đây, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm đa số. Do đó, trong năm tới cần loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả.

Với góc nhìn khác, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) băn khoăn, tỷ lệ thí sinh ảo có thể xuất hiện ở các phương thức xét tuyển sớm. Bởi trước đó, cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm trúng tuyển có điều kiện nhưng thí sinh có thể từ chối trúng tuyển ở nguyện vọng này. Đây là bài toán khó cho nhà trường khi xác định chính xác số lượng người xác nhận nhập học. Do đó, các trường cần tính toán, dự đoán tình huống, kịch bản để giảm tỷ lệ thí sinh ảo ở phương thức xét tuyển sớm.

Cho rằng, tình trạng thí sinh ảo luôn là nỗi lo của nhiều cơ sở giáo dục đại học, TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh băn khoăn, thí sinh có thể trúng tuyển có điều kiện vào nhiều trường khác nhau theo hình thức xét tuyển sớm cũng có thể dẫn đến tỷ lệ ảo cho các trường. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác dự báo, đơn vị có thể tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu.

Tuy nhiên, hiện Bộ GD&ĐT thực hiện lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển, chắc chắn tỷ lệ thí sinh ảo sẽ giảm nên không quá quan ngại. Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh có tham gia nhóm lọc ảo phía Nam do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì. Vì thế, tỷ lệ ảo thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc gọi thí sinh nhập học.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm 2022 có hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Số thí sinh trúng tuyển chính thức sau đợt 1 xấp xỉ 567.000, đạt tỷ lệ 91,4%. Có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống, chiếm 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển.

Các năm trước, Hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT nên lượng thí sinh ảo rất lớn do các em còn chọn phương thức khác mà Hệ thống không kiểm soát được. Điều này kéo theo tỷ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.

Từ kết quả trên, năm 2023 Bộ GD&ĐT tiếp tục có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện Hệ thống nhằm phục vụ công tác tuyển sinh. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến với tất cả thí sinh.

Thí sinh cần ghi nhớ một số điều khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ