Tuyển sinh ĐH, CĐ: Chống “ảo” cho cả các nhà trường lẫn thí sinh

GD&TĐ - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 8 giờ ngày 17/4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 là 705.264 em. Số thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường ĐH, CĐ là 526.810 (74,7%), với 45.483 thí sinh tự do (chiếm 6,45%). Đã có 458.287 hồ sơ đăng ký dự thi được nhập vào hệ thống (đạt 86,99%). 

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Chống “ảo” cho cả các nhà trường lẫn thí sinh

Trong đó, nguyện vọng (NV) 1 là 458.287 (100%), NV 2 là 402.580 (87,84%), NV 3 là 325.401 (71%), NV 4 là 234.438 (51,16%), NV 5 là 161.078 (35,15%). Những NV còn lại là 276.084 (60,24%).

Bất ngờ với trường ĐH có tỷ lệ ĐKXT cao nhất

Tính theo thứ tự nguyện vọng có trên 50% thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng (NV). Gần 86% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển NV1, NV2 có gần 88%, NV3 có 71%, NV4 là 51%, NV5 chiếm 35% và các NV còn lại chiếm trên 60%. Tính đền chiều 16/4, Trường ĐH Cần Thơ dẫn đầu với 78.419 NV đăng ký (3 NV đầu là 68% trong tổng số NV đăng ký). Tiếp đó là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với 65.847 NV (3 NV đầu chiếm 57%). Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với 47.843 NV (3 NV đầu là 57%). Trường ĐH Thương mại với 45.901 NV (3 NV đầu là 51%). Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 42.997 NV (3 NV đầu là 70%). Trường ĐH Kinh tế TPHCM với 37.365 NV (3 NV đầu 73%). Học viện Tài chính với 35.755 NV (3 NV đầu 42%). Trường ĐH Tôn Đức Thắng với 35.190 NV (3 NV đầu 64%). Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với 35.141 NV (3 NV đầu 73%). Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) với 30.659 NV (3 NV đầu 76%).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, số lượng hồ sơ và vị trí này không có nhiều ý nghĩa vì đây là những trường đa ngành, hoặc những ĐH lớn có tổng chỉ tiêu tuyển sinh cao nên việc hút được lượng lớn hồ sơ nhiều như vậy cũng là điều dễ hiểu. Thí sinh không nên nhìn những số liệu thống kê đưa ra mà dao động mà hãy nhìn vào thực tế, các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Dược TPHCM… tuy số lượng hồ sơ nộp vào trường không nằm trong tốp đầu này, nhưng điểm chuẩn luôn rất cao. Thêm nữa, việc một số trường có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đông cũng rất có thể do năm nay thí sinh được xét tuyển không hạn chế NV. Bởi vậy, việc xác định NV nào chính, NV nào phụ với mỗi thí sinh là hết sức cần thiết, vì không chỉ là tránh ảo cho các nhà trường mà còn để tránh ảo cho bản thân thí sinh.

Năm 2017, thí sinh không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển, nhưng nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, Bộ GD&ĐT, cũng vẫn cho phép thí sinh có thể điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho phép mỗi thí sinh được điều chỉnh NV ĐKXT chỉ duy nhất một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh NV ĐKXT. Đối với điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến: Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh NV ĐKXT. Nếu điều chỉnh bằng phiếu, thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều chỉnh NV ĐKXT và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Cần lưu ý thứ tự ưu tiên của các trường

Nhiều NV có tăng khả năng trúng tuyển? Đây là câu hỏi được nhiều thí sinh đưa ra. Dẫu vậy, chia sẻ của các chuyên gia tuyển sinh cho thấy việc thí sinh đăng ký nhiều NV xét tuyển chỉ thêm ảo và dễ trượt hơn chứ không phải đăng ký nhiều mà dễ trúng tuyển. Lý giải điều này, chuyên gia Bùi Tuấn của Trung tâm Truyền thông và Quan hệ công chúng (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh được ĐKXT không giới hạn số NV xét tuyển, chính vì thế việc đăng ký chính xác các NV theo thứ tự ưu tiên sẽ giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển ngành mình yêu thích. Thí sinh cần lưu ý là nguyên tắc là đối với các ngành/trường việc xét tuyển được thực hiện bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên giữa các NV.

PGS.TS Nguyễn Đình Luận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - cũng lưu ý thí sinh: Mặc dù không giới hạn NV xét tuyển, nhưng thí sinh phải tính toán thật kỹ, không nên đăng ký quá nhiều NV. PGS.TS Nguyễn Đình Luận phân tích: Dù đăng ký nhiều nhưng thí sinh cũng chỉ được trúng tuyển vào một NV. Nên hiểu là NV đầu tiên ghi trên giấy đăng ký dự thi sẽ là quan trọng nhất; đây sẽ là NV được ưu tiên đầu tiên, vì thế nếu đăng ký nhiều NV sẽ thành ảo, dẫn đến khả năng khi trượt những NV chính mà mình ưa thích thì NV đăng ký vốn chỉ để “chống trượt” lại sẽ trúng tuyển, vô hình trung như vậy là mình đã tự mở cánh cửa cho khả năng sẽ phải vào học những ngành không yêu thích hoặc trái sở trường.

Ngày 20/4 là hạn chót việc thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Ghi nhận chung là đa phần thí sinh lựa chọn một trong 2 bài thi tổ hợp, nơi này hoặc kia lượng thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội có thể cao hơn, phụ thuộc vào việc thí sinh đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc ĐKXT vào các trường ĐH, CĐ của thí sinh cho thấy cho dù không bị hạn chế NV, nhưng không có nhiều thí sinh ĐKXT quá nhiều, điều này minh chứng công tác tư vấn cho thí sinh trước kỳ thi ở các trường THPT đã phát huy hiệu quả tốt.

Vẫn có những thí sinh còn nghe ngóng thông tin trường này trường kia tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều ít thế nào. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh có kinh nghiệm cho rằng không còn nhiều thời gian cho thí sinh, nên nộp ngay khi đã tính toán, cân nhắc ngành, trường phù hợp với mình mà không nên nộp hồ sơ đăng ký quá muộn. Vì thực tế những tính toán này không hẳn là chính xác, thường những bạn nộp chỉ 1 đến 2 nguyện vọng đều là những bạn có lực học giỏi, tin chắn vào lựa chọn của mình. Những thí sinh nộp nhiều nguyện vọng là những thí sinh học lực trung bình khá do không chắc chắn đỗ một trường nào, giải pháp nhiều nguyện vọng chỉ là để chống trượt. Nếu có quá nhiều lựa chọn, năm nay phần mềm tuyển sinh sẽ lọc và phần mềm sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một ngành, trường học nào đó mà thí sinh đăng ký, rất có thể là nguyện vọng thí sinh không thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.