Tỷ lệ thất nghiệp giảm

GD&TĐ -Tình hình kinh tế - xã hội nước ta ghi nhận những điểm sáng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020 - 2022.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020 - 2022.

Thu nhập tăng 805 nghìn đồng

Trong buổi công bố số liệu lao động việc làm quý III và 9 tháng năm nay, Tổng cục Thống kê đánh giá, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III duy trì đà phục hồi. Trong 9 tháng, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành, đời sống của NLĐ được bảo đảm hơn. Thu nhập bình quân của NLĐ tăng khá ở cả ba khu vực kinh tế.

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương 9 tháng năm nay là 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 805.000 đồng). Lao động nam làm công hưởng lương có mức thu nhập bình quân là 7,9 triệu đồng, cao hơn 1,13 lần thu nhập bình quân của lao động nữ làm công hưởng lương (7 triệu đồng).

Lao động làm công hưởng lương tại khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,8 triệu đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng so với quý trước.

Thu nhập bình quân tháng của NLĐ tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm nay là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,1 triệu người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng mạnh ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Mức tăng lần lượt là 1,3 triệu người và 1,5 triệu người.

Trong quý III năm nay, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới (tương ứng là tăng 1,78 triệu người và 1,85 triệu người so với cùng kỳ năm trước).

Kinh tế mũi nhọn phục hồi mạnh mẽ

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”. Chủ động ứng phó kịp thời với các biến chủng mới của dịch Covid-19 và các bệnh dịch khác. Bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch. Nhờ đó, đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân, bao gồm NLĐ.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Từ đó, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Tổng cục Thống kê cũng đề xuất ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Qua đó, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho NLĐ.

Theo Tổng cục Thống kê, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đã phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục tăng trưởng, thu hút nhiều lao động. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của NLĐ. Trong quý III năm nay, thu nhập bình quân của NLĐ tăng cao ở nhiều ngành kinh tế.

Cụ thể, thu nhập bình quân ở ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 6,5 triệu đồng, tăng 46,3% (khoảng 2 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,2% (khoảng 650 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành vận tải kho bãi là 9,4 triệu đồng, tăng 45% (khoảng 2,9 triệu đồng) so với quý trước và tăng 12,9%, tương ứng tăng khoảng 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 7,5 triệu đồng, tăng 32,8% (khoảng 1,9 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước và tăng 14,9% (khoảng 980 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê nhận định, các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực. Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ghi nhận những điểm sáng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nhờ đó, tình hình thất nghiệp của NLĐ vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm nay là gần 1,06 triệu, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và giảm 658,1 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm nay là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiếp tục đối mặt với một số khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu lao động cục bộ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao. Đời sống một bộ phận NLĐ còn gặp nhiều khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ