Nhà thờ Hồi Giáo Sultan Ahmed là điểm đến nổi tiếng ở thành phố Istanbul. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ gọi nó là Thánh đường Xanh. Hầu hết khách du lịch đến Istanbul đều đặc biệt ấn tượng với ngôi đền thờ này.
Khách tham quan sẽ không được bước chân vào Sultan Ahmed nếu mặc quần sóc và đi chân trần. Từ tháng 5 đến tháng 10, Sultan Ahmed mở cửa từ 9h sáng đến 9h tối và từ 9h sáng đến 7h tối vào tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Khách tham quan sẽ không mất phí vào cửa.
Được xây dựng khoảng giữa năm 1609-1616, dưới thời trị vì của đức vua Ahmed đệ nhất. Giống những nhà thờ Hồi giáo khác, Sultan Ahmed cũng được thiết kế bao gồm khu lăng mộ cho người sáng lập nhà thờ, giáo đường và một trại tế bần.
Kiến trúc của nhà thờ Sultan Ahmed là tuyệt tác đỉnh cao đúc kết từ sự kết hợp của hai thế kỷ phát triển kiến trúc nhà thờ Hồi giáo các triều đại Ottoman và nhà thờ Thiên Chúa giáo Byzantine. Đại thánh đường được trang trí một vài yếu tố đặc trưng của kiến trúc trường phái Byzantine hao hao giống Hagia Sophia - nhà thờ lớn nhất thế giới đến tận thế kỷ 16, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Bên cạnh đó là sự cộng hưởng với kiến trúc Hồi giáo truyền thống tỉ mỉ và cực kỳ tinh xảo.
Đặc sắc nhất là sắc xanh của phần nội thất. Đó là lớp đá cẩm thạch đắt tiền được khảm trên khắp các cột, tường, mái vòm… Ngoài ra còn có hơn 260 cửa sổ bằng kính với thiết kế phức tạp ở phía trên cao, cho phép lấy ánh sáng thiên nhiên chiếu sáng thánh đường, và mới đây phần ánh sáng này được bổ trợ thêm bởi những chùm đèn treo bằng phalê rực rỡ.
Bên trong đại thánh đường là một bảo tàng nghệ thuật vô giá rộng lớn gồm hơn 20.000 viên đá lát bằng gốm được làm thủ công, với họa tiết là thiết kế của hơn 50 loại hoa tulip khác nhau. Những viên đá lát ở các tầng thấp hơn là những thiết kế truyền thống, trong khi ở các tầng khác là những họa tiết rực rỡ tượng trưng cho các loài hoa, trái cây và cây cỏ. Dù thời gian có khiến màu sắc thay đổi nhưng công trình này vẫn là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc.
Sultan Ahmed cũng là một trong hai nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ có cấu trúc sáu tháp. Bốn tháp ở các góc của nhà thờ với hình dáng giống cây viết chì, đều gồm ba tầng bancông với các đòn chìa đúc bằng nhũ đá (một loại vật chất siêu bền do cacbonat canxi kết tụ lại trên các hang động hàng triệu năm tuổi). Trong khi hai tháp còn lại đặt ở cuối sân ngoài chỉ gồm hai tầng bancông giống như thế.
Vị kiến trúc sư tài ba, lẫy lừng danh tiếng Sedefkar Mehmet Aga đã khéo léo kết hợp vẻ oai nghiêm, kích thước áp đảo và nét đẹp hoành tráng tuyệt mỹ vào một công trình vĩ đại tồn tại vĩnh cửu.