Tuyệt chiêu thu hút học sinh đến với thư viện

GD&TĐ - Làm thế nào để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh, thu hút các em đến với thư viện nhà trường? Là cán bộ thư viện chuyên trách, tâm huyết với nghề, cô Kiều Thu Trang - Trường THCS Sen Chiểu (Hà Nội) đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng giải quyết vấn đề này.

Tuyệt chiêu thu hút học sinh đến với thư viện

Tạo không gian thoải mái

Dán tranh ảnh ngỗ nghĩnh, vẽ hình các nhân vật xuất hiện trong các câu truyện cổ tích nổi tiếng, tạo cho học sinh có cảm giác khi lên thư viện như là mình đang bước vào một thế giới cổ tích thần tiên.

Các em lên thư viện có thể tự do lựa chọn những cuốn sách mà mình yêu thích, lên thư viện bất cứ khi nào vào các giờ mở cửa

Học sinh được đi lại tự do, trao đổi thông tin về các cuốn sách mà mình vừa tìm đọc với các bạn ngay tại thư viện.

“Giới thiệu sách bằng bảng treo di động”

Kết hợp với các hình thức tổ chức giới thiệu sách theo chủ điểm hàng tháng, giới thiệu sách ở bảng giới thiệu sách, giới thiệu sách bằng bảng treo di động được tổ chức khi có sách mới nhập về hoặc phục vụ cho các cuộc thi: Học sinh giỏi, các cuộc thi của Đoàn, Đội.

Thực hiện bằng cách : Đóng bảng focmica khung nhôm gắn cặp sắt để bìa sách và bài giới thiệu cuốn sách (12 cặp). Các khối trưởng lựa chọn báo cần theo đề tài phù hợp với các chủ điểm hoặc sách báo mới nhập, viết bài giới thiệu cho từng cuốn sách báo.

Photo bìa (phô tô màu) hoặc trang tên sách kèm bài giới thiệu gắn lên bảng. Bảng được treo ở bảng tin, phòng đội hoặc gốc cây sân trường để học sinh xem được ở mọi lúc mọi nơi.

Sau những buổi giới thiệu sách bằng bảng treo di động, học sinh lại đến thư viện đọc sách báo nhiều hơn.

Sử dụng giỏ sách mini để bàn

Theo phương pháp truyền thống, trường tổ chức phòng đọc theo hình thức kho đóng và kho mở. Tuy nhiên, cả hai hình thức trên đều không có mấy tác dụng tích cực với việc tìm tài liệu của học sinh.

Chọn sách ở kho đóng: Học sinh không được chọn sách trực tiếp mà phải thông qua hệ thống mục lục, gây nhiều lúng túng, mất thời gian. Còn chọn sách ở kho mở, vì kho quá nhiều sách nên học sinh khó tìm được cuốn sách sát đúng yêu cầu.

Việc lựa chọn sách vì vậy gây lãng phí thời gian, dẫn đến sự chán nản và cứ thế học sinh đến thư viện ngày một ít dần. Hình thức sử dụng giỏ sách mini để bàn khắc phục được nhược điểm của cả 2 cách trên.

Cách thực hiện: Dùng giỏ nhựa có gắn chủ đề Toán học, văn học, tự nhiên xã hội, sách nâng cao, sách tham khảo, báo đội… Mỗi giỏ để ở một cặp bàn, trong giỏ chứa khoảng 15 cuốn sách phù hợp với chủ đề.

Khi học sinh đến thư viện, cần sách ở lĩnh vực nào thì tìm sách ở giỏ đó đọc. Trường hợp giỏ sách mini không có, các em mới phải tra vào sổ mục lục để mượn sách trực tiếp ở cán bộ thư viện.

Định kì vào thứ 2 hàng tuần đổi sách ở các giỏ sách sao cho phù hợp với chương trình học từng thời điểm. Với hình thức này các em được lựa chọn sách trực tiếp theo đề tài cụ thể, rút ngắng thời gian tìm sách và dễ dàng tìm đọc những cuốn sách sát, đúng yêu cầu, mục đích.

Tuần lễ sách lưu động

Để thay đổi không khí đọc sách và phục vụ những chiến dịch ôn thi: Kiểm tra định kì, thi Học sinh giỏi, thi cuối kì, những cuộc thi thuộc các chủ điểm 20/11,30/4,19/5…, thư viện trường tổ chức “Tuần lễ sách lưu động”

Thực hiện: Cán bộ thư viện phối hợp với các khối trưởng hoặc tổng phụ trách đội chọn sách đúng chủ điểm, trưng bày vào tủ. Tủ sách lưu động trên sân trường phục vụ bạn đọc ngoài trời tạo không gian thoải mái ( hoặc hành lang khi trời mưa).

Đóng tủ bằng khung gỗ, mặt kính (hoặc lưới) để học sinh nhìn thấy sách trực tiếp. Chân tủ đóng bánh xe giúp di chuyển dễ dàng.

Cử 8 học sinh lớp 8,9 có niềm đam mê đọc sách, học tập tốt, đạo đức tốt, giao tiếp văn minh, lịch sự với bạn đọc. Cán bộ thư viện hướng dẫn các em quản lí tủ sách.

Tuần lễ phát động, các em lấy sách ở thư viện đã được chọn lựa trưng bày vào tủ, đầu buổi mở tủ cho các bạn mượn sách, cuối buổi thu sách để vào đúng vị trí đóng khóa, giao cho bạn trực ngày sau; hết tuần lễ phát động đưa sách về kho kiểm kê, tổ thư viện hội ý rút kinh nghiệm.

Hình thức này đã thay đổi môi trường đọc tạo tâm lí thoải mái gây hứng thú đọc sách. Các em có thể tận dụng được giờ ra chơi để đọc sách. Tạo phong trào đọc và làm theo sách báo nên kết quả hội ngày được nâng cao.

Đảm bảo cơ sở vật chất

Bố trí phòng đọc giáo viên, phòng đọc học sinh, kho sách ở nơi thuận tiện cho giáo viên và học sinh đọc sách.

Có đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh ngồi (tối thiểu 45 chỗ), có đủ quạt mát, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị chuyên dùng như : giá sách, tủ trưng bày giới thiệu sách, trang thiết bị nghe nhìn…đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thường xuyên bổ sung sách mới, cập nhật và mang tính thời sự:

Tham mưu với Ban giám hiệu bổ sung các loại sách tham khảo, báo thiếu nhi, truyện tranh, truyện cổ tích….phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Thành lập tổ công tác thư viện ngay từ đầu năm học do đồng chí Phó hiệu trưởng làm tổ trưởng, các đồng chí giáo viên, cùng các em học sinh tiêu biểu của nhà trường.

Phối hợp với tổ cộng tác viên thư viện tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu, hứng thú đọc sách của giáo viên và học sinh để lên kế hoạch bổ sung các tài liệu tham khảo quan trọng, cập nhật, thiết thực phục vụ giảng dạy và học tập của nhà trường.

Kết hợp với giáo viên dạy Tiếng Anh sưu tầm, bổ sung các loại tài liệu tham khảo phục vụ cho kì thi Olympic tiếng Anh đạt kết quả cao.

Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm bổ sung các loại tài liệu bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Bổ sung các loại sách theo chủ đề nhân các ngày lễ lớn để giáo viên và học sinh có cơ hội tìm hiểu thông tin.

Khi sách mới cập nhật về, cùng với tổ cộng tác thư viện tiến hành xử lí kĩ thuật : đóng dấu, vào sổ, dán nhãn, mô tả, phân loại…và xếp lên giá theo đúng nghiệp vụ, chủ đề để bạn đọc dễ tìm, dễ tra cứu.

Tổ chức phục vụ bạn đọc theo hình thức thư viện mở, hướng dẫn bạn đọc sử dụng sách báo và tra tìm tài liệu.

Ngoài ra thư viện phối hợp với Đội, giáo viên và tổ công tác thư viện lập kế hoạch và tổ chức phát động phong trào quyên góp, ủng hộ sách xây dựng “ Tủ sách dùng chung” vào đầu mỗi học kì.

Thực hiện tốt công tác trưng bày, giới thiệu sách

Hàng tháng tổ chức các buổi giới thiệu sách mới vào đầu tháng tới giáo viên và học sinh. Đây chính là bước đi quan trọng nhất trong hành trình đưa sách tới bạn đọc.

Việc giới thiệu sách được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thu hút sự quan tâm của bạn đọc:

Đối với các loại sách tham khảo, tiến hành điểm sách theo từng chuyên đề ở các khối lớp vào các buổi sáng đầu tuần, đặc biệt để giúp học sinh thi giải toán trên mạng internet đạt kết quả tốt tôi đã tổ chức cho các em giao lưu toán violympic ngay tại thư viện.

Chuẩn bị phục vụ cho kì thi Olympic Tiếng Anh trên mạng, kết hợp với giáo viên bộ môn chọn mỗi lớp 3 học sinh giỏi Tiếng Anh, chuẩn bị tài liệu và tra tìm câu hỏi, thông tin liên quan trên mạng và tổ chức cho các em giao lưu, đố vui, trắc nghiệm ngay tại trường.

Đối với các loại sách nghiệp vụ, sách tham khảo dành riêng cho giáo viên thì ngoài những buổi giới thiệu chúng tôi thông qua các buổi sinh hoạt tổ, các buổi họp chuyên môn… giới thiệu đến giáo viên.

Đối với sách bồi dưỡng học sinh giỏi, tiến hành phối hợp với giáo viên dạy bồi dưỡng chọn học sinh và tổ chức cho học sinh giao lưu, hái hoa dân chủ theo các nội dung có trong tài liệu mà học sinh được chuẩn bị trước.

Các loại truyện tranh cổ tích, thần thoại có nội dung ngắn, học sinh dễ đọc, phối hợp với các cộng tác viên trong tổ, tổng phụ trách Đội tiến hành giới thiệu trong giờ chào cờ đầu tuần, vào 15 phút truy bài đầu giờ theo chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách hay” hoặc “Thi vui kể chuyện”. Vào ngày 20/11 kết hợp với đội thiếu niên thi làm báo tường theo chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”....

Để thu hút bạn đọc đến với thư viện ngày càng nhiều thì phải nói đến một nhân tố rất quan trọng không thể thiếu đó chính là vai trò nòng cốt của cán bộ thư viện trường học.

Cán bộ thư viện phải là người hết lòng với công việc, biết tham mưu với lãnh đạo về công tác thư viện, nắm chắc những kiến thức chuyên môn cần thiết đồng thời thường xuyên học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.