Kỳ III: Cần vị trí xứng đáng
(GD&TĐ) - Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ sách báo mà còn phải là kho tri thức giúp giáo viên, học sinh khám phá thế giới, thay đổi phương pháp dạy và học. Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Thị Thanh Mai, để thư viện phát huy hiệu quả, cần một giải pháp đồng bộ bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, trình độ cán bộ thư viện và cả thói quen đọc sách, sử dụng thư viện của học sinh, giáo viên.
-Bà đánh giá thế nào về vai trò của thư viện trường học trong việc hỗ trợ học sinh, giáo viên ?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) |
UNESCO đã có Tuyên ngôn về thư viện trường học (TVTH), xác định vai trò của của TVTH trong dạy và học.
Theo đó, nhiệm vụ của TVTH là “cung cấp các dịch vụ học tập, sách và các nguồn tư liệu khác tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh trở thành những người biết suy nghĩ quyết đoán và biết sử dụng các dạng thông tin khác nhau một cách có hiệu quả”, thông qua đó giúp cho việc phát triển học vấn, kiến thức thông tin, văn hoá để các kiến thức này hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, giảng dạy trong nhà trường.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tuyên ngôn cũng đã xác định TVTH phải tổ chức các dịch vụ cơ bản cần thiết hỗ trợ và tăng cường các mục tiêu giáo dục trong nhà trường; phát triển và duy trì thói quen, hứng thú đọc, thói quen đến thư viện của học sinh; hỗ trợ cho học sinh kỹ năng nghiên cứu, khả năng tự học; giúp học sinh tiếp cận với các nguồn thông tin địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu, từ đó kích thích sự sáng tạo của học sinh.
Với những dịch vụ cơ bản của TVTH hỗ trợ cho các mục tiêu trên, có thể nói TVTH là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục tại nhà trường.
-Bộ GD&ĐT đã có quy định cụ thể về TVTH, tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều trường, thư viện vẫn thiếu và yếu về cơ sở vật chất, đội ngũ và đầu sách. Theo bà, nguyên nhân do đâu?
Theo tôi, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, do nước ta vẫn là nước vừa thoát khỏi “nước nghèo”, nền kinh tế chưa thật sự phát triển. Mặc dù trong những năm đổi mới, với mục tiêu phát triển nước ta đến năm 2020 về cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nên Đảng, Nhà nước - với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - đã rất quan tâm đầu tư cho giáo dục, ngân sách dành cho giáo dục đã chiếm tỷ lệ khá cao so với các lĩnh vực khác với mục tiêu.
Tuy nhiên, mức kinh phí trên cũng chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển của ngành Giáo dục. Điều này cũng ảnh hưởng tới đầu tư cho TVTH và cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho mạng lưới TVTH vừa thiếu và yếu về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và đầu sách.
Theo tôi, nguyên nhân cơ bản vẫn là nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành có liên quan mà trực tiếp là ngành Giáo dục về vị trí, vai trò của TVTH trong quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường.
Cán bộ thư viện giới thiệu sách cho học sinh tại Trường THCS Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội |
-Để thư viện phát huy được vị thế của mình, theo bà cần tác động đến yếu tố nào?
Theo tôi, giải pháp then chốt vẫn là thay đổi phương thức giảng dạy và học tập trong nhà trường, cách chấm điểm 1 bài kiểm tra. Bởi với thời lượng 1 tiết học, thầy cô giáo chỉ có thể cung cấp những kiến thức cơ bản nhất nhưng khi trả bài phải đưa ra barem chấm điểm theo cách ngoài đáp ứng kiến thức đã tiếp thu từ bài giảng dựa trên sách giáo khoa, giáo trình đã học thì phải có phần mở rộng kiến thức. Muốn có được kiến thức mở rộng đó, không còn cách nào khác là yêu cầu học sinh phải đọc sách theo hướng dẫn của thầy, cô.
Để việc đọc của học sinh thuận tiện, hiệu quả hơn, hoạt động của thư viện cũng phải có sự thay đổi. TVTH không đơn giản là nơi cung cấp sách theo kiểu có gì đọc nấy mà phải có sự phân bổ rõ ràng giữa sách dành cho giáo viên và học sinh.
Mặt khác, TVTH cũng phải chứng minh vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc định hướng đọc cho học sinh. Muốn làm được như vậy, bản thân cán bộ thư viện trước hết phải có trình độ chuyên môn, phải linh hoạt, chủ động trong việc phối hợp với giáo viên bộ môn để chọn ra những cuốn sách phù hợp cho học sinh theo từng môn học, bài giảng. Với mỗi cuốn sách cũng yêu cầu cán bộ thư viện phải biết tóm tắt nội dung giúp giáo viên, học sinh tìm, đọc sách nhanh, phù hợp hơn.
Tôi có dịp được đi nhiều nơi, đến nhiều trường học, thực tế nhiều trường có kinh phí khá dồi dào nhưng thư viện chết yểu. Tìm hiểu nguyên nhân thì mới thấy kinh phí không phải là tất cả. Cái quan trọng nhất là công tác quản lý nhà nước. Phải có văn bản (chí ít là thông tư) quy định cụ thể thư viện các trường tiểu học, THCS, THPT phải có sách gì, tạp chí chuyên ngành nào cho GV, báo - tạp chí phục vụ cho học sinh như thế nào. Sách tham khảo cũng vậy. Hội đồng chấm chọn sẽ tham mưu cho nhà trường mua sách gì, số lượng bao nhiêu… Từ quy định này, buộc nhà trường phải đảm bảo kinh phí để đầu tư cho thư viện. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, có chế tài xử lý những nơi không thực hiện đúng quy định về TVTH.
La Giang (thực hiện)