Tuyệt chiêu ‘kể sử bằng thơ’ của thầy giáo trẻ

GD&TĐ - Những cuốn sách kể sử bằng thơ của thầy giáo Lê Văn Cường, Trường THPT Cảm Ân (huyện Yên Bình, Yên Bái) đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Thầy giáo Lê Văn Cường đã sưu tầm những tư liệu bổ ích làm sinh động giờ học Lịch sử.
Thầy giáo Lê Văn Cường đã sưu tầm những tư liệu bổ ích làm sinh động giờ học Lịch sử.

Miệt mài sáng tạo

Thầy giáo Lê Văn Cường hiện là tổ trưởng tổ chuyên môn Văn - Sử - Địa, Trường THPT Cảm Ân (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Đã từ lâu, thầy giáo Lê Văn Cường được đồng nghiệp, học sinh biết đến là thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo trong quá trình dạy học môn Lịch sử và tổ chức các hoạt động giáo dục của Nhà trường.

Dạy học tại một ngôi trường đóng trên địa bàn vùng cao tỉnh Yên Bái, nơi có số đông học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống, học tập còn nhiều khó khăn, vì vậy, trong những năm qua thầy giáo Lê Văn Cường cùng tập thể cán bộ, giáo viên trường THPT Cảm Ân đã không ngừng vượt mọi gian khó, tìm tòi những giải pháp để đổi mới, sáng tạo, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong quá trình vượt khó ấy, thầy giáo Lê Văn Cường là tấm gương nhà giáo trẻ đã miệt mài đổi mới, sáng tạo để biến niềm đam mê của bản thân trở thành những giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo sức lan tỏa, góp phần vào phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của Nhà trường cũng như Ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái.

Xuất phát từ thực tế trong nhà trường phổ thông hiện nay, môn Lịch sử là môn học tuy có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc nhưng do khối lượng kiến thức gồm cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại khá lớn điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm yêu thích, chất lượng học tập của học sinh đối với môn học. Vì vậy, thầy giáo Lê Văn Cường đã có ý tưởng sáng tạo và bắt tay vào thực hiện từ năm 2016, đó là giải pháp kết hợp khả năng sáng tác thơ lục bát với kiến thức lịch sử để viết các tác phẩm kể lịch sử bằng thơ lục bát với độ dài đạt đến kỷ lục.

Thầy giáo Lê Văn Cường chia sẻ kinh nghiệm và tặng sách cho đồng nghiệp ở các nhà trường trong và ngoài tỉnh.

Thầy giáo Lê Văn Cường chia sẻ kinh nghiệm và tặng sách cho đồng nghiệp ở các nhà trường trong và ngoài tỉnh.

Cô giáo Lưu Khánh Linh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Cảm Ân chia sẻ: “Từ năm 2016 đến nay, thầy giáo Lê Văn Cường không ngừng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm kể lịch sử bằng thơ lục bát. Thầy là tấm gương sáng về nhà giáo trẻ miệt mài đổi mới, sáng tạo”.

Khi bắt tay vào thực hiện các dự án sáng tạo kể sử qua thơ, thầy Lê Văn Cường chia sẻ rằng bản thân thầy gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Trong đó, khó khăn nhất là ở Việt Nam chưa có tác phẩm viết sử bằng thơ dài và hoàn chỉnh về kiến thức lịch sử, gần với thời hiện đại. Vì thế, trong quá trình làm, thầy Cường phải tự nghiên cứu, tự biên soạn và xuất bản. Đồng thời, thầy luôn dành thời gian để đọc thêm nhiều tài liệu về lịch sử, thơ ca để việc chuyển thể từ lịch sử sang thơ được dễ dàng hơn.

Thầy giáo Lê Văn Cường cho biết, phương châm quan trọng khi tạo lập những tác phẩm kể sử bằng thơ là đòi hỏi phải đảm bảo tính nghệ thuật trong phong cách văn chương, tính chân thật về sự kiện lịch sử. Thầy đã lựa chọn thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc, dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi với lời ăn tiếng nói của Nhân dân lao động nên có thể chuyển tải những tri thức lịch sử một cách phù hợp và giúp cho học sinh, người dân dễ dàng tiếp cận.

Thầy Lê Văn Cường chia sẻ: “Ý tưởng sáng tạo của tôi nhằm giúp học sinh có thêm kênh tư liệu về lịch sử, khiến cho những kiến thức lịch sử bớt đi tính hàn lâm, trở nên gần gũi với cuộc sống. Từ đó, các em học sinh sẽ yêu thích học môn Lịch sử hơn. Tôi nghĩ, muốn học sinh đam mê trước hết thầy cô phải thắp lửa niềm đam mê”.

Trái ngọt mùa vàng

Bằng sự nỗ lực không ngừng, niềm đam mê cháy bỏng đã chuyển hóa thành những sáng tạo trong sáng tác và nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật, từ năm học 2015-2016 đến nay, “vườn ươm đổi mới, sáng tạo” của thầy giáo Lê Văn Cường và trường THPT Cảm Ân đã đơm hoa kết trái, cho những trái ngọt đầu mùa chất chứa bao tâm huyết của một nhà giáo trẻ.

Các tác phẩm kể sử bằng thơ lục bát do thầy Cường sáng tác lần lượt ra đời. Đó là tác phẩm đầu tay: “Đại cương thế giới sử thi”, NXB Hội nhà văn, Quý I/2016, viết lịch sử thế giới từ nguyên thủy đến 2015 bằng 3.456 câu thơ lục bát, đồng thời vận dụng hình thức sử dụng thơ ca trong đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử hiệu quả và sáng tạo.

Năm học 2016-2017, thầy Cường tham gia hội thi “Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Yên Bái” lần thứ VII với sáng kiến “Sáng tác tác phẩm “Đại cương thế giới sử thi” bằng thơ lục bát nhằm đổi mới phương pháp dạy-học lịch sử thế giới ở trường phổ thông” đạt giải nhì Hội thi (ngày 15/12/2016), được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh và có giá trị bảo lưu 3 năm. Tác phẩm tiếp tục được Tỉnh Đoàn Yên Bái lựa chọn tham dự Hội thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2016 do Trung ương Đoàn và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức. Hội Liên hiệp KHKT tỉnh cũng lựa chọn tác phẩm tham dự Hội thi Sáng tạo kĩ thuật Việt Nam lần 14.

Đến tháng 4 năm 2018, thầy giáo Lê Văn Cường tiếp tục xuất bản “Việt Nam theo dấu sử ca” NXB Hội nhà văn, viết lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến năm 2016 bằng 36.888 câu thơ lục bát. Gần đây nhất là tác phẩm “Yên Bái ghi dấu sử thiên” viết lịch sử Yên Bái từ thời tiền sử đến 2020 dài 9.037 câu, sách dày 444 trang do NXB Thanh niên ấn hành năm 2021. Tác phẩm “Ngang trời mây đỏ thiên thơ”, dài 10.398 câu, chuyển thể tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” của nhà văn Ngọc Bái thành truyện thơ lục bát lịch sử Khởi nghĩa Yên Bái. Truyện thơ được chia làm 18 chương, sách dày 515 trang, do nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2021.

Bên cạnh đó, thầy giáo Lê Văn Cường còn chuyển thể tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài sang thơ lục bát dài 4.067 câu với tên gọi Dế Mèn lục bát phiêu lưu ký nhằm thay đổi cách tiếp cận văn học phổ thông trong thời gian qua. Thầy còn tham gia giúp các Đảng bộ và nhân dân địa phương tuyến quốc lộ 70 biên soạn 3 cuốn Lịch sử địa phương các xã Cảm Ân, Tân Hương, Đại Đồng thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Những cuốn sách đạt kỷ lục của thầy giáo Lê Văn Cường là tư liệu hữu ích trong dạy học Lịch sử ở nhà trường phổ thông.

Những cuốn sách đạt kỷ lục của thầy giáo Lê Văn Cường là tư liệu hữu ích trong dạy học Lịch sử ở nhà trường phổ thông.

Cho đến nay, thầy giáo Lê Văn Cường đã tự mình nghiên cứu, sáng tác và xuất bản được 11 đầu sách phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và văn học nghệ thuật Yên Bái và Việt Nam. Trong đó, có 4 cuốn chuyên khảo về thơ lục bát lịch sử, 3 cuốn lịch sử Đảng bộ xã, 4 cuốn thơ văn học nghệ thuật; 2 sáng kiến cấp tỉnh đạt giải Cuộc thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh và 8 sáng kiến cấp ngành được công nhận.

Những kết quả từ sự đam mê sáng tạo của thầy giáo Lê Văn Cường trong suốt những năm học qua là “những trái ngọt tri thức” của một nhà giáo trẻ nơi vùng cao Yên Bái cần mẫn, miệt mài và tạm gác lại những khó khăn thường nhật để góp phần không nhỏ vào việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Ghi nhận sự đóng góp ấy, thầy giáo Lê Văn Cường đã 10 lần được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Bộ GD&ĐT; TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen (2 lần); Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái tặng Giấy khen; Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Cảm Ân tặng Giấy khen cùng nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật cấp tỉnh, giải giáo viên giỏi, giải thể thao cấp tỉnh…Cá nhân thầy Cường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

4 cuốn sách kể sử bằng thơ của thầy giáo Lê Văn Cường được xuất bản trong 5 năm qua, căn cứ vào sự độc đáo về nội dung, hình thức và độ dài về dung lượng câu thơ trong mỗi tác phẩm, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietsking) xác lập kỷ lục Việt Nam. Đó là tác phẩm “Đại cương Thế giới sử thi” dài 3.456 câu thơ lục bát với kỷ lục: “Người viết tác phẩm Đại cương Thế giới sử thi bằng thơ lục bát dài nhất”; tác phẩm: “Việt Nam theo dấu sử ca” dài 36.888 câu thơ lục bát với “Tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 2016 bằng nhiều câu thơ lục bát nhất”; các tác phẩm: “Yên Bái ghi dấu sử thiên” dài 9.037 câu thơ lục bát và “Ngang trời mây đỏ thiên thơ” dài 10.398 câu thơ lục bát với kỷ lục “Người viết truyện thơ về lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái bằng nhiều câu thơ lục bát nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ