Trẻ từ 3 tuổi trở xuống không thích ăn rau xanh là hiện tưởng phổ biến bởi ở độ tuổi này các bé thích những màu sáng và vui mắt. Đối với chúng màu xanh lá cây là màu đáng chán nhất.
Rau xanh là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Do đó, khi lười ăn rau sẽ mang đến những nguy cơ gây hại đến cơ thể.
Những nguy cơ xảy ra nếu trẻ lười ăn rau
- Táo bón
- Thiếu vitamin và khoáng chất
- Bệnh tim mạch
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón
- Giảm trí thông minh
- Nguy cơ béo phì
Do đó, để phòng tránh các vấn đề này mẹ cần phải xây dựng chế độ ăn uống nhiều rau xanh cho trẻ.
Biện pháp khi trẻ lười ăn rau
Cho trẻ ăn rau ngay từ nhỏ
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên bổ sung rau vào khẩu phần ăn dặm hàng ngày của trẻ bằng việc xay nhuyễn hay băm nhỏ các loại rau củ đa dạng nấu với bột/cháo để trẻ làm quen với mùi vị.
Khi trẻ ăn dặm, cần kết hợp các loại rau bằng cách trộn rau củ nhiều màu sắc để thu hút trẻ. Cắt tỉa rau củ thành những hình thù ngộ nghĩnh, hoặc chơi trò chơi trồng rau trong vườn… Khi trẻ lớn hơn, hãy cho bé tham gia vào quá trình chế biến rau cho cả nhà, bằng cách nhờ bé nhặt rau, rửa, tỉa tót các loại củ thành hình thù chúng thích bằng dụng cụ an toàn.
Trong quá trình chế biến có thể gợi ý bé ăn thử, hoặc cho bé ăn nếu bé cảm thấy thích.
Nếu lần đầu không thành công, hãy thử lại nhiều lần khác
Nhiều nghiên cứu cho thấy có thể mất 10 lần hoặc hơn để trẻ chấp nhận thức ăn mới. Bạn hãy thử cho trẻ ăn một phần nhỏ để trẻ không thấy quá nhiều hoặc kết hợp “bổ sung” rau vào món gì đó mà bạn biết trẻ thích ăn.
Ăn vặt với rau
Bạn có thể thái hạt lựu các loại củ như cà rốt, cà chua…, luộc thật mềm rồi trộn với sốt ngậy ngậy, béo béo như mayonnaise, bơ đậu phộng… để làm món ăn nhẹ cho bé. Không có bé cưng nào có thể cưỡng lại được món ăn này đâu. Tuy nhiên, món ăn này dễ khiến bé mắc nghẹn, do đó bạn hãy quan sát khi bé ăn nhé.
Kết hợp rau cùng những món bé thích
Mẹ hãy cho thêm rau vào một số món mà các bé cưng thường yêu thích như nước trái cây, nước giải khát, mì ống, món thịt hầm, nước sốt, bánh nướng… Bạn có thể thêm một số hương vị như bơ, tỏi để làm át bớt hương vị của rau củ.
Thiết kế thành những hình ảnh thật vui mắt
Đôi khi bé sẽ thấy nhàm chán với những bữa ăn. Do đó, việc tạo ra những hình dạng vui mắt sẽ kích thích sự thèm ăn của bé. Dùng các dụng cụ cắt hình hoa, ngôi sao, động vật… để tạo hình các loại củ.
Các mẹ có thể thử làm một gương mặt dễ thương cho bánh sandwich bằng cách dùng ô liu làm mắt, cà chua làm tai, cà rốt dính lên mũi và ớt chuông cho ria mép. Hay đơn giản hơn, bạn cắt rau thành những miếng nhỏ và sắp xếp thật đẹp lên một chiếc đĩa để tạo thành một món ăn đầy màu sắc.
Để trẻ tham gia vào việc chọn và chuẩn bị món rau cho bữa ăn
Trẻ thường có khuynh hướng sẽ chịu ăn rau do trẻ tự chọn hơn. Chẳng hạn, trẻ có thể quyết định bạn sẽ nấu món đậu que luộc hay rau muống xào cho bữa tối. Bạn cũng có thể cho trẻ rửa bắp cải và giá (đậu mầm). Những lựa chọn đơn giản sẽ giúp trẻ cảm thấy ý thức kiểm soát.
Ăn kèm với nước sốt
Các bé thường thích những món ăn kèm với nước sốt. Do đó, bạn có thể xắt rau nhỏ và cho bé chấm với các loại sốt khác nhau như bơ đậu phộng, sữa chua, phô mai… Ban đầu, bé sẽ từ chối nhưng dần dần, bé sẽ thích đấy.
Dẫn bé đi mua rau
Sau giờ học, bạn hãy dẫn bé cùng đi mua rau và để cho bé chọn những loại loại rau mà bé thích. Bé có thể chọn một trái cà chua màu đỏ tươi, một trái bí xanh hoặc một trái cà tím và đề nghị bạn nấu cho bé những món ăn chế biến từ các loại rau củ này.
Nếu được, hãy tập cho bé làm vườn và dạy cho bé cách trồng những loại rau mà mình thích.
Trẻ lười ăn rau có nên bù lại bằng trái cây?
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết: Trong rau xanh và quả chín có nhiều vitamin C, chất chống ôxy hóa, chất xơ nhưng một số loại vitamin lại có nhiều trong rau màu xanh thẫm, giúp chuyển hóa các chất trong cơ thể. Vì vậy, nếu bạn chỉ tập trung cho ăn trái cây mà bỏ quên rau sẽ không có lợi cho cơ thể trẻ nhỏ.
Hàm lượng vitamin và các chất khoáng trong rau cao hơn trái cây. Ví dụ, hàm lượng beta-caroten (giúp phòng tránh tình trạng thiếu hụt vitamin A), các loại vitamin và chất khoáng trong rau dền cao gấp 2-6 lần trong cam, chanh.
Ngoài ra, các chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón ở trẻ em. Chất xơ trong rau giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ của cơ thể với 3 nhóm thức ăn cơ bản (đạm, đường, béo). Nếu chỉ ăn đơn thuần các protein động vật thì hiệu suất hấp thụ protein trong ống tiêu hóa chỉ đạt 70%, nếu sử dụng rau hiệu suất là 90%.
Một số loại rau, nhất là rau gia vị, còn có tác dụng chữa trị nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật rất quý như: hành, cà rốt, tỏi, tía tô…
Vì vậy bên cạnh việc cho con uống nước cam, nước chanh, ăn trái cây, các bà mẹ cần nhớ cho thêm rau xanh mỗi khi nấu cháo, bột, cơm cho con ăn. Càng cho trẻ ăn nhiều loại rau và hoa quả thì càng cung cấp đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho trẻ.
Với trẻ 3 tuổi trở lên thường đại tiện 1 lần/ngày. Trẻ được xem là bị táo bón khi đại tiện ít hơn 3 lần trong tuần. Ngoài các nguyên nhân bệnh lý thì chế độ ăn uống thiếu chất xơ cũng khiến trẻ dễ bị táo bón. Do đó người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn để tăng cường rau xanh cho con trong bữa ăn.
Một số món ăn kết hợp rau cho bé
Trứng hấp rau củ
Các loại rau củ như cà rốt, đậu que, nấm rơm đều được cắt nhỏ và khéo léo khoe sắc thật bắt mắt trên nền trứng hấp vàng óng chắc chắn sẽ khiến bé nhà mình “khó cưỡng lại được” mà nếm thử.
Mùi thơm của trứng hấp cũng giúp át đi mùi đặc trưng của cà rốt và khiến bé dễ ăn hơn. Đặc biệt, món này cũng rất giàu chất dinh dưỡng, phù hợp để “bồi bổ” cho bé sau những giờ học căng thẳng đấy.
Nui trộn thịt bò, rau củ
Ưu điểm lớn nhất của món ăn này chính là màu sắc vô cùng bắt mắt dễ dàng hấp dẫn bé ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hơn nữa, vị thơm ngon sẽ khiến món ăn thêm đậm đà nhưng vẫn giữ được vị ngon ngọt từ rau củ cho bé thưởng thức và làm quen.
Cơm bò bằm cà chua
Nếu thịt bò là món ăn yêu thích của bé nhà mình thì món cơm bò bằm cà chua này chắc chắn sẽ khiến bé thích mê và dễ dàng làm quen với vị cà chua thơm ngon.
Sự pha trộn khéo léo giữa hương thơm từ nước cùng vị chua ngọt dịu nhẹ từ cà chua sẽ kích thích vị giác của bé và giúp bé hoàn thành “bữa ăn” của mình một cách ngon miệng và nhanh chóng.