Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa giả định

GD&TĐ - Tại phiên tòa giả định, không chỉ giúp các em học sinh Bắc Ninh được tiếp cận và trực tiếp tham gia một phiên tòa mà còn nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ...

Toàn cảnh phiên tòa giả định.
Toàn cảnh phiên tòa giả định.

Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9/11), ngày 28/10, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Bắc Ninh phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Bắc Ninh, Thành Đoàn Bắc Ninh và Trường THPT Hoàng Quốc Việt tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ.

Tham dự có lãnh đạo VKSND thành phố Bắc Ninh, TAND thành phố Bắc Ninh, Thành Đoàn Bắc Ninh cùng cán bộ, giáo viên và 60 học sinh đại diện cho toàn bộ học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt. 

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, diễn biến của phiên tòa giả định sẽ được trình chiếu lại cho học sinh tại các lớp trong toàn trường xem sau khi phiên tòa giả định kết thúc.

Theo đó, phiên tòa giả định đã tái hiện một vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Bị cáo là Hồ Tiến Cường (sinh 01/3/2004); trú tại phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, là học sinh trường THPT số 1 Bắc Ninh. 

Thành phần tham gia phiên tòa giả định do cán bộ VKSND thành phố Bắc Ninh và TAND thành phố Bắc Ninh thực hiện gồm: Hội đồng xét xử (Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và 2 hội thẩm Nhân dân), đại diện VKSND, luật sư, bị cáo, bị hại và đại diện hợp pháp của bị cáo.

Phiên tòa giả định được trình chiếu lại cho học sinh tại các lớp trong toàn trường.
Phiên tòa giả định được trình chiếu lại cho học sinh tại các lớp trong toàn trường.

Tình huống được đưa ra như sau: Khoảng 7h15 ngày 9/5/2021, Hồ Tiến Cường không có giấy phép lái xe mô tô, điều khiển xe mô tô BKS: 99G1-512.52, đi đến ngã ba giao giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Nguyễn Cao. Cường không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, không chú ý quan sát, điều khiển xe chuyển hướng rẽ trái nên đã xảy ra va chạm với xe đạp điện do anh Trương Khắc Dương điều khiển đi cùng chiều.

Hậu quả, anh Dương bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể 65%, hai phương tiện bị hư hỏng.

Hành vi điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe theo quy định, không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, không chú ý quan sát của Hồ Tiến Cường đã vi phạm Điều 8, Điều 9, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy Hồ Tiến Cường đã phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa giả định, đã thực hiện đúng quy trình xét xử, từ khâu thực hiện tố tụng, công bố cáo trạng, xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Đặc biệt, phần phát biểu luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa giả định đã giúp cho học sinh hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, ý thức rõ những hệ lụy của việc không chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.

Phần tuyên án, trước những lập luận sắc bén, có lý có tình của Hội đồng xét xử, bị cáo Cường đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong muốn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hồ Tiến Cường 20 tháng tù cho hưởng án treo. Đây là mức án phù hợp, có tính răn đe.

Phiên tòa giả định là mô hình mới về tuyên truyền pháp luật có tính trực quan. Đây cũng là cơ hội để các em học sinh được tiếp cận và trực tiếp tham gia một phiên tòa, từ đó giúp các em nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, VKSND thành phố Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp, tổ chức các phiên tòa giả định tại các trường THPT trên địa bàn với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, qua đó, góp phần giúp các em học sinh hiểu rõ hơn việc chấp hành pháp luật, rèn luyện ý thức, đạo đức, trau dồi kĩ năng sống. Bên cạnh đó, nhận thức rõ những hành động có thể dẫn đến vi phạm pháp luật để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.