Phương thức tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả

GD&TĐ - Theo tiến sỹ Phan Hồng Dương - Trưởng Phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục): Công tác tuyển sinh năm nay nhẹ nhàng, hiệu quả và có sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

 Chủ trương nhất quán

Tiến sỹ Phan Hồng Dương - cho biết thêm: Học viện Quản lý Giáo dục đã hoàn thành công tác xét tuyển, lọc ảo và đã công bố điểm chuẩn đầu vào từ ngày hôm qua (31/7).

Học viện cũng đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm 2017. Số thí sinh trúng tuyển cũng gần sát với chỉ tiêu tuyển sinh là: 835/800, tương đương 102%. Từ nay đến 7/8, công việc tiếp theo là đợi thí sinh đến làm thủ tục xác nhận nhập học.

Theo TS Phan Hồng Dương: Công tác xét tuyển năm nay cơ bản thuận lợi và không gặp phải khó khăn gì. "Để có được kết quả như vậy, theo tôi quan trọng nhất là chủ trương nhất quán của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Tiếp đến phương án tuyển sinh của các trường cũng chặt chẽ" - TS Phan Hồng Dương phân tích.

Riêng đối với Học viện Quản lý Giáo dục, TS Phan Hồng Dương - cho biết: Năm nay. Học viện tính theo thang điểm 30 và đặt ra một tiêu chí phụ. Trong quá trình tuyển sinh, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường đã không phải sử dụng đến tiêu chí phụ này.

Bên cạnh đó, Học viện cũng tham gia nhóm xét tuyển miền Bắc nên được hỗ trợ rất nhiều. "Có thể nói, phương thức tuyển sinh năm nay khoa học, hợp lý đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh. Nhờ đó mà công tác tuyển sinh năm nay của các trường rất nhẹ nhàng, không bị áp lực và đạt hiệu quả" - TS Phan Hồng Dương trao đổi.

Trên cơ sở phương thức tuyển sinh năm nay, TS Phan Hồng Dương - đề xuất: năm 2018 có thể kế thừa phương thức tuyển sinh năm 2017. Tuy nhiên, Bộ nên giới hạn nguyện vọng của thí sinh. Có thể cho thí sinh đăng ký tối đa 5 đến 7 nguyện vọng, chứ không nên không giới hạn nguyện vọng như năm nay.

Niềm vui ngày tốt nghiệp
Niềm vui ngày tốt nghiệp 

Không thể phủ nhận những ưu điểm của phương thức tuyển sinh 

Về vấn đề cộng điểm ưu tiên theo khu vực đối tượng, TS Phan Hồng Dương, đây là chủ trương, chế độ chính sách của Nhà nước vì vậy nên giữ nguyên để khuyến khích và đảm bảo công bằng trong giáo dục giữa các vùng miền. Nếu điều chỉnh thì chỉ nên điều chỉnh về tỷ lệ điểm sao cho hợp lý hơn.

Cũng theo TS Phan Hồng Dương, việc một số thí sinh có điểm cao như trường hợp của Trường đại học Y Hà Nội mà vẫn bị trượt là không nhiều. Theo TS Phan Hồng Dương, lỗi là ở phía các em chứ không phải phương thức tuyển sinh của năm nay.

Có thể nói, năm nay Bộ đã "mở cửa" cho các thí sinh; trước đó đã có những phân tích về phổ điểm rất kỹ, thậm chí các trường cũng đã có tư vấn tuyển sinh và đưa ra nhiều lời khuyên cho thí sinh trước khi chọn trường, nhưng các em vẫn chọn "điểm rơi" không đúng. Vì thế không thể trách nhà trường hay Bộ GD&ĐT.

"Hơn nữa, tôi nghĩ những trường hợp đó chỉ là số ít và rơi vào Trường đại học Y Hà Nôi, các trường thuộc khối Công an và quân đội. Vì thế không thể phủ nhận những ưu điểm của phương thức tuyển sinh năm nay" - TS Phan Hồng Dương nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ