Cùng với đó, những hình ảnh không đẹp mắt trong mùa tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội đã kéo dài nhiều năm như xếp hàng từ nửa đêm, ăn chực nằm chờ để đợi nộp đơn tuyển sinh cho con… đã không còn nữa, góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi tích cực hình ảnh giáo dục Thủ đô.
Hết cảnh chen lấn xô đẩy
Mùa tuyển sinh năm học mới 2017 - 2018, thành phố Hà Nội đã chính thức áp dụng phương thức tuyển sinh trực tuyến qua mạng Internet tại tất cả các quận, huyện, thị xã đối với các lớp đầu cấp từ mầm non, đến lớp 1 và lớp 6. Sau 2 tuần, kết quả tuyển sinh trực tuyến với trẻ 5 tuổi vào trường mầm non đạt trên 12.000 cháu, chiếm hơn 74%; vào lớp 1, 91.000 học sinh, chiếm 72% và lớp 6, gồm 68.000 học sinh, chiếm 68%.
Cách thức tuyển sinh trực tuyến đã tiết kiệm được thời gian cho các gia đình, xóa bỏ được tình trạng chen lấn, xô đẩy, thậm chí phải ăn chực nằm chờ như đã xảy ra ở nhiều năm trước.
Để có được kết quả đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp tổ chức nhiều buổi vận hành thử nghiệm với mỗi đợt gần 1,7 nghìn cơ sở giáo dục và gần 5.000 cán bộ, giáo viên, huy động gần 4,5 nghìn máy tính tham gia phân tán trên địa bàn toàn thành phố. Sở cũng chú trọng chọn các thành viên tham gia tổ công tác tuyển sinh trực tuyến am hiểu về thông tin, bám sát địa bàn thực tế.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc thống kê tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến hoàn toàn khách quan từ hệ thống phần mềm. Đối chiếu so sánh với năm học trước cho thấy 100% tỷ lệ đăng ký thành công cao hơn các năm trước. Đặc biệt, tất cả học sinh đều có chỗ học bởi không chỉ có phương thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến, từ ngày 1 - 15/7 sẽ tiếp tục hình thức tuyển sinh trực tiếp phục vụ phụ huynh, học sinh. Sau thời gian này, nếu trường thiếu chỉ tiêu thì được phép tuyển sinh trái tuyến.
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Đại cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tình trạng quá tải về trường lớp ở các trường công, đặc biệt ở các khu đô thị trung tâm, hoặc vùng ven đô có khu đô thị mới phát triển như ở quận Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy… Đây là những bất cập mà Sở GD&ĐT thành phố sẽ sớm có phương án triển khai khắc phục ngay trong thời gian tới, để tuyệt đối tránh tình trạng tái diễn.
Điểm chuẩn sẽ dựa trên số liệu tuyển sinh thực tế
Về việc một số trường ngoài công lập tại Hà Nội tổ chức tuyển sinh từ đầu tháng 6, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, thời gian tuyển sinh vào lớp đầu cấp được áp dụng thống nhất từ ngày 1 – 15/7. Các trường ngoài công lập có thể tuyển sinh trên địa bàn toàn thành phố, nên việc phát hành đơn và hồ sơ để thăm dò nguyện vọng của học sinh là vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Còn trong thời điểm này, việc thu nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển trước mắt vẫn thực hiện theo quy định chung.
Về điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập năm học 2017 - 2018, ông Ngô Văn Chất cho biết, dựa trên số liệu tuyển sinh thực tế của các trường, Sở GD&ĐT sẽ quyết định việc có hay không cho trường hạ điểm chuẩn. Nếu hạ điểm chuẩn, các trường được nhận hồ sơ trúng tuyển bổ sung trong hai ngày 1 – 2/7.
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về tình trạng bổ nhiệm thừa hiệu phó ở hầu hết các trường học ở huyện Thanh Oai, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải: “Thanh Oai bổ nhiệm thừa hiệu phó là thuộc trách nhiệm của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai. Quan điểm của Sở thực hiện theo Nghị quyết 39 là phải đúng. Nếu chúng tôi kiểm tra, biết được sẽ đề xuất với thành phố có biện pháp thực hiện đúng. Trách nhiệm chính thuộc về huyện Thanh Oai”.