Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, dựa trên kết quả của kỳ thi, các cơ sở giáo dục đại học có thể xét tuyển những thí sinh phù hợp.
- Theo TS, việc các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh có bảo đảm về chất lượng và đủ tin cậy?
- Trước khi trả lời, tôi xin đặt lại vấn đề: Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT không phù hợp để xét tuyển thì cái gì là phù hợp? Nếu bây giờ không lấy điểm thi tốt nghiệp THPT, thì lấy gì để xét tuyển vào đại học, nhất là hiện nay nhu cầu của học sinh vào đại học lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học.
Rõ ràng là hiện nay, thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có rất nhiều lựa chọn phương án xét tuyển như: Xét học bạ THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp, tổ chức kỳ thi riêng…
Nhưng thực tế cho thấy, kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo độ tin cậy nhất định để các trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển. Bằng chứng là, hầu hết các trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh và dành ít nhất 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức này.
- Tuy nhiên, năm 2021 cũng ghi nhận một số cơ sở đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, TS đánh giá như thế nào về việc này?
- Đúng là năm 2021 ghi nhận một số cơ sở đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh như: 2 Đại học Quốc gia đều có kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi đánh giá tư duy, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Việt Đức đều có dự định tổ chức kỳ thi riêng.
Nhưng do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên các kỳ thi phải tạm dừng, nhằm bảo đảm an toàn cho thí sinh và xã hội. Đây là điều bất khả kháng, chứ không phải do chủ quan họ không muốn tổ chức. Suy cho cùng cũng là vì quyền lợi của thí sinh.
Khi các kỳ thi phải tạm dừng, càng thấy vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào đối với xét tuyển đại học và càng nhận thấy việc tổ chức được kỳ thi trong bối cảnh Covid-19 là hoàn toàn phù hợp.
- Thực tế, có không ít người cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Quan điểm của TS về vấn đề này?
- Theo tôi, mọi người không nên nhìn nhận phiến diện: Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ với một mục tiêu duy nhất là để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Tôi cho rằng, kỳ thi này còn có 2 mục tiêu khác quan trọng: Thứ nhất, dùng kết quả làm cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học.
Dư luận có thể lập luận, các cơ sở giáo dục đại học đã được tự chủ và có thể tự lo. Nhưng hãy nhớ lại Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nêu: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Như vậy, việc chúng ta tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ phù hợp với thực tiễn khách quan mà còn đúng với chủ trương, đường lối của Đảng. Và như tôi đã phân tích ở trên, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh. Do đó, kết quả của kỳ thi vẫn là cơ sở rất tốt, đáng tin cậy để các trường đại học xét tuyển.
Thứ 2, thông qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá hiệu quả dạy và học ở bậc THPT. Dựa trên kết quả của kỳ thi mới thấy được vùng nào có kết quả học cao, vùng nào có kết quả thấp.
Ngoài ra, kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT còn là cơ sở để đánh giá, nhìn nhận phân tích về chất lượng giáo dục của các môn học ở các vùng miền trên cả nước... Nói cách khác, đây là cơ sở để các nhà giáo dục nghiên cứu phân tích, đề xuất các chính sách về giáo dục cho phù hợp.
- Xin cảm ơn TS!