Tất cả các trường “hăng hái” đăng ký tuyển sinh riêng đều là trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong khi đó, dư luận lại nghi ngại: Nếu các trường được tự chủ tuyển sinh mà bỏ kỳ thi ĐH “3 chung”, sẽ bùng phát tiêu cực và nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, đặc biệt là “lò luyện thi” tại các trường ĐH, CĐ như trước đây.
Vì sao trường công hờ hững?
Hiệu trưởng Đại học Vinh - PGS.TS Đinh Xuân Khoa - đã không ngần ngại trả lời tại cuộc đối thoại trực tuyến rằng, kỳ thi ĐH “3 chung” hiện đang được xã hội đồng tình, vì có sự an toàn, nhất là trong khâu ra đề. Thi “3 chung” sẽ tạo ra mặt bằng chung cho chất lượng giáo dục ĐH, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống. Với những ưu điểm của kỳ thi “3 chung”, ĐH Vinh thấy không có nhu cầu thay đổi.
Tuy nhiên, “Khi Bộ GDĐT khuyến khích xây dựng phương án tuyển sinh riêng, Trường ĐH Vinh chúng tôi cũng đã có suy nghĩ, cân nhắc. Trường đã thành lập Ban đổi mới để nghiên cứu, từ đó sẽ có những đổi mới kỳ thi tuyển sinh của trường cho thích hợp”- Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa nói.
Nhiều trường ĐH, CĐ khác thì khẳng định trường vẫn sẽ theo phương án thi “3 chung” vì lý do: Thí sinh có thể dùng chung kết quả thi, không trúng tuyển trường này còn xét tuyển được vào trường khác. Thi chung thì có nhà nước lo, còn tuyển sinh riêng thì trường nào phải tự lo cho trường ấy, cuốn theo bao thứ phát sinh, tiềm ẩn mất an toàn, tăng thêm bộ máy, gây tốn kém…
Vì vậy, hầu hết các trường công lập đều không mặn mà với tuyển sinh riêng. Đến nay, hầu như chỉ có Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và ĐHQG TPHCM là chủ trương xây dựng phương án tuyển sinh riêng. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - xác nhận trường đang xây dựng và triển khai đề án đổi mới công tác tuyển sinh theo đánh giá năng lực.
Cụ thể, trong năm 2014, ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh theo “3 chung” của Bộ GDĐT, nhưng đồng thời sẽ thí điểm tổ chức thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực ở một số chương trình đặc biệt. Dự kiến sau một năm thí điểm, đến năm 2015, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi mới này.
Còn với ĐHQG TPHCM, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc - cho biết: Đề án tuyển sinh mới với mục tiêu đánh giá năng lực học ĐH thay vì kiểm tra kiến thức đã học đơn thuần như kỳ thi tuyển sinh hiện nay.
Theo đó, kỳ thi kiểm tra năng lực sẽ gồm 5 môn: Toán và logic, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tiếng Anh. Tuy nhiên, mỗi thí sinh chỉ phải tham gia dự thi 3 môn, trong đó 2 môn bắt buộc (toán và logic, tiếng Việt) thời gian làm bài 120 phút.
Ngoài ra, thí sinh phải thi thêm 1 môn bổ sung (một trong 3 môn còn lại) tùy theo đặc thù riêng của từng trường và ngành dự thi, với thời gian làm bài
90 phút.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thì xác nhận: Hiện Bộ vẫn chưa nhận được đề án tuyển sinh riêng của ĐHQG Hà Nội và cả ĐHQG TPHCM. Bộ rất mong các ĐHQG, ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, những cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ CBGV sớm đề xuất phương án tuyển sinh riêng, làm đầu tàu cho đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ trong cả nước.
“3 chung” làm cạn nguồn tuyển sinh ngoài công lập?
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập VN vừa gửi tới Thủ tướng một văn bản kiến nghị về đổi mới một số chính sách, cơ chế đảm bảo sự công bằng xã hội cho giáo dục ĐH ngoài công lập. Theo Hiệp hội, ngoài những biểu hiện thiếu thiện cảm, dẫn đến đối xử chưa công bằng (chẳng hạn như xem nhà trường như DN; không cho sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập được dự thi tuyển vào cơ quan nhà nước), thì quy chế tuyển sinh “3 chung” hiện nay đang có nhiều bất cập.
Những bất cập này là: Xác định sai điểm sàn làm cạn nguồn tuyển sinh của các trường ngoài công lập; cho phép trường ĐH tuyển, đào tạo cả cao đẳng và TH chuyên nghiệp; không phân tầng trong tuyển sinh, đánh giá chất lượng đào tạo; quá coi trọng đầu vào, xem nhẹ quá trình đào tạo và đầu ra, gây ra những bất lợi cho trường ngoài công lập... Trên thực tế, có những trường ĐH ngoài công lập chỉ tuyển sinh được lèo tèo vài ba lớp, thậm chí chỉ có vài chục sinh viên!
Theo Hiệp hội, trong số hơn 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay thì có 30 trường ra đời trước năm 2000, còn lại đa số là ra đời sau năm 2006. Với tuổi đời từ 2 - 7 năm, các trường chưa thể nào có đủ điều kiện mọi mặt để đảm bảo có được chất lượng đào tạo như mong muốn.
Nhưng không phải vì thế mà cho rằng tất cả sinh viên trường ngoài công lập (chiếm 14% sinh viên cả nước) đều thuộc diện “yếu kém” và tạo nên yếu kém của chất lượng giáo dục ĐH. Có lẽ chính vì những lý do trên, khối ĐH, CĐ ngoài công lập là những trường hăng hái nhất đăng ký tuyển sinh riêng.
Tại TPHCM, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã đưa phương án không tổ chức thi tuyển mà tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, trong đó có căn cứ điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp THPT, tổng điểm trung bình học tập năm học cuối cấp (lớp 12) của 3 môn học tương ứng với khối thi và ngành xét tuyển.
Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM thì xây dựng căn cứ xét tuyển dựa trên hai tiêu chí là kết quả tham dự các kỳ thi quốc gia (điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT tổ chức) và kết quả quá trình học tập 3 năm cuối cấp học phổ thông. Ngoài ra sẽ phỏng vấn trực tiếp đối với những ngành nghề đào tạo có yêu cầu riêng.
Một loạt các trường khác như ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH CNTT Gia Định, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quốc tế Bắc Hà, CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM, CĐ ASEAN, CĐ Công nghệ thông tin TPHCM… cũng đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng cho năm 2014.
* TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm TPHCM: Năm 2014 trường vẫn thực hiện thi “3 chung” với lý do trường không có những môn đặc thù đặc biệt để cần thi riêng, thêm vào đó, thực hiện thi “3 chung”, trường vẫn đảm bảo số lượng và chất lượng tuyển sinh mỗi năm. Tuy nhiên, theo lộ trình của Bộ, sau năm 2014, trường cũng sẽ bắt đầu nghiên cứu phương án thi riêng.
* PGS Văn Như Cương: Theo tôi, kỳ thi ĐH “3 chung”đáng lẽ phải bỏ từ lâu rồi. Bởi đơn giản vì các trường đào tạo ra cử nhân kinh tế, ngân hàng, quản trị… và các trường đào tạo kỹ sư các chuyên ngành kỹ thuật… không thể thi đầu vào chung đề như nhau được. Mỗi trường phải được tuyển sinh riêng căn cứ vào yêu cầu cụ thể riêng của mình.
* GS-VS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Trước đây vì nhiều hoàn cảnh, điều kiện không cho phép nên chúng ta phải thi theo hình thức “3 chung”. Nhưng với sự phát triển của xã hội, tiến bộ trong giáo dục, nhận thức thì cũng cần phải có những thay đổi cho phù hợp, đối với các trường đủ điều kiện thì việc tự chủ tuyển sinh là rất cần thiết và điều này có lợi nhiều hơn cho cả nhà trường và thí sinh.
* Ông Nguyễn Việt (xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội): Một thời chúng ta đã bỏ kỳ thi ĐH chung và cho các trường được tự ra đề, tự tổ chức thi riêng. Bao nhiêu tiêu cực đã xảy ra. Học sinh không trực tiếp vào các “lò luyện thi” của trường nào đó thì không thể đỗ. Nạn dạy thêm, học thêm, luyện thi cũng từ đó mà phát sinh. Nay giao cho các trường được tuyển sinh riêng, nếu tiêu cực lại bùng phát thì liệu Bộ GD&ĐT, các ban ngành có kiểm soát được không?
* Chị Thu Bình (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội): Nếu các trường được tuyển sinh riêng, chẳng hạn bằng phương án xét tuyển theo kết quả học tập phổ thông, thì có nghĩa là phải lo lắng cho con mình suốt từ lớp 1 đến lớp 12, để cuối cùng phải có bảng thành tích của 12 năm toàn khá, giỏi. Điều đó lại làm cho nạn chạy điểm, chạy trường, chạy học bạ thêm phức tạp. Thi đại học theo tôi là một việc làm cần thiết và công bằng.
* Học sinh Trần Ngọc Hà (Trường THPT Hà Huy Tập - TPHCM): Em dự định năm tới thi ĐH Kinh tế Tài chính, nhưng nếu chẳng may em không đỗ thì kết quả thi đó của em có được dùng để xét tuyển các trường khác không hay em lại phải thi một trường có đề chung? Nếu vậy thì em phải thi cả hai kiểu, cả thi riêng và thi chung, như thế rất phức tạp và mệt mỏi.
Theo Lao động
*****
Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.
Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.