Nhiều trường mạnh dạn bổ sung thêm phương thức xét tuyển mới, trong đó có trường đào tạo ngành đặc thù như sư phạm, công an, nghệ thuật…
Năm 2022 đánh một dấu mốc khi khá nhiều trường đào tạo sư phạm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển thí sinh. Ví dụ như Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức 6 bài thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc một số bài thi trên tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau theo đề án tuyển sinh của trường. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi tương tự.
Một trong các phương thức tuyển sinh năm 2022 của trường này gồm: Thi tuyển, xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Tuyển sinh các trường khối công an cũng có đổi mới đáng kể với việc áp dụng 3 phương thức: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả bài thi đánh giá năng lực do Bộ Công an tổ chức… Việc có thêm phương thức tuyển sinh rõ ràng giúp thí sinh mở rộng cơ hội trúng tuyển vào đại học; đồng nghĩa với việc nguồn tuyển của các trường cũng rộng mở hơn.
Theo dõi tuyển sinh các năm qua có thể thấy rõ xu hướng phương thức xét tuyển của các trường càng phong phú, nhiều phương thức mới xuất hiện; nhưng có vẻ riêng các trường khối y dược lại chưa thấy rõ xu hướng này. Năm 2022, số ít trường đào tạo y dược mạnh dạn đổi mới, ví dụ như mở rộng tổ hợp xét tuyển, không cần xét tuyển đến môn Sinh học. Tuy nhiên, có những ý kiến khác nhau trước thay đổi trên; trong đó có người cho rằng chưa phù hợp, khó tìm đúng “nguyên liệu” đầu vào tốt, có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Mới đây, tại Hội nghị giáo dục y học thường niên lần thứ 6 do Trường ÐH Y Hà Nội tổ chức, vấn đề đổi mới tuyển sinh khối ngành khoa học sức khỏe được đề cập. Trong đó có ý kiến cho rằng, tổ hợp truyền thống xét tuyển vào khối trường y dược là B00 (Toán, Hóa, Sinh) từ khi thi trắc nghiệm, đã không thể đại diện hoàn toàn cho năng lực của thí sinh. Do đó, đề xuất một công cụ chung để xét tuyển vào các trường đại học đào tạo sức khỏe.
Nhiều năm phụ trách công tác tuyển sinh, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, cho rằng: Với ngành đặc thù, nếu có điều kiện, nên có bài thi riêng để có thể chọn được thí sinh có năng lực phù hợp. Ví dụ, học mỹ thuật cần có năng khiếu vẽ, học âm nhạc cần biết hát hoặc chơi nhạc cụ, thẩm âm... Ngoài ra, đối với ngành đặc thù mang tính đặc biệt có thể có thêm bài kiểm tra nghề nghiệp, EQ...
Có ý kiến khá tương đồng, TS Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, cho biết, tại một số nước, tuyển sinh những ngành đặc thù như sức khỏe, sư phạm, luật sư, thường căn cứ vào 2 chỉ số IQ - chỉ số thông minh và EQ - chỉ số đo lường về trí tuệ và cảm xúc. Người có IQ cao dễ tham gia học đại học. Người có EQ cao dễ tham gia các ngành đặc thù yêu cầu tiếp xúc xã hội nhiều. Ví dụ, bác sĩ, điều dưỡng đều cần EQ cao để có thể dễ cảm thông, dễ tiếp xúc với người bệnh.
Bởi vậy, theo ý kiến cá nhân TS Trương Tiến Tùng, các ngành liên quan trực tiếp đến con người (sức khỏe, giáo dục, nghệ thuật...) cần có phương thức tuyển sinh đặc thù. Mục tiêu là đánh giá được 2 chỉ số nói trên để lựa chọn đúng người học phù hợp; tránh bỏ nghề (do áp lực...) gây lãng phí cho xã hội. Các trường tự quyết định phương thức tuyển sinh để đánh giá được các tiêu chí mà nghề nghiệp cần (phỏng vấn, viết luận...), công khai cho xã hội biết và tự chịu trách nhiệm.