Dù nhân lực cho nhóm ngành trên rất khan hiếm nhưng số thí sinh đăng ký dự thi và theo học vẫn rất thấp so với nhu cầu.
Cầu nhiều, cung chẳng bao nhiêu
Thực trạng nhiều ngành học trọng điểm cần nhân lực nhưng không tuyển được người học diễn ra từ vài năm nay. Dù các trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hút người học nhưng sự chuyển biến vẫn chưa nhiều. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh nhóm ngành trên hai năm trở lại đây đã có sự tăng trưởng tốt hơn nhưng vẫn thấp so với các ngành khác.
Năm 2020, 5 nhóm ngành là khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường có số lượng thí sinh nhập học thấp, với tỷ lệ tương ứng là 41,43%, 43,91%, 49,98%, 54,43% và 65,28%.
Năm học 2021 - 2022, dù điểm chuẩn nhóm các ngành trên duy trì ở mức thấp nhưng tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển cũng không tăng mạnh. Đơn cử, tại Trường ĐH Lâm nghiệp số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào 26 ngành học có tăng (ở nhóm ngành không phải thế mạnh), nhưng nhóm ngành lâm học, lâm sinh, lâm nghiệp đô thị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tương đối ít. Tương tự, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) các nhóm ngành như: Chất lượng cao Địa chất học, địa chất học, chất lượng cao hải dương học, chất lượng cao khí tượng và khí hậu học… cũng không nhiều thí sinh đăng ký nhập học.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Anh - chuyên gia kiểm định và tư vấn tuyển sinh, Hiệp hội GD nghề nghiệp TPHCM, nguyên nhân cơ bản khiến người học lựa chọn ngành này nằm ở 2 mấu chốt: Thiếu chính sách thu hút người học ở cấp vĩ mô. Người học có xu hướng lựa chọn các ngành thuộc khối kinh tế thay vì khối kỹ thuật đặc thù.
Nhìn nhận thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: Những năm qua, để tạo sức hút nhóm ngành đặc thù nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học.
“Tuy rất khó khăn và chật vật trong tuyển sinh và duy trì lớp nhưng nhà trường xác định các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng cho sự phát triển, vì thế vẫn cố duy trì bằng cách thu hẹp quy mô tuyển sinh (giới hạn với quy mô từ 20 - 30 chỉ tiêu/ngành). Điều này nhằm vừa duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên, vừa đảm bảo khi nhu cầu thị trường thay đổi, vẫn có nguồn lực để đáp ứng”, PGS.TS Khoát nói.
Đào tạo theo hướng đặt hàng
Thực tế, lựa chọn ngành học là quyền của người học và xu hướng người học chọn ngành “hot” theo các chuyên gia tuyển sinh sẽ khó thay đổi. Vì vậy, để duy trì hoạt động, nhiều cơ sở đào tạo có ngành học đặc thù (không có sức hút với thí sinh) phải tự thay đổi, cân bằng hoạt động đào tạo bằng việc mở thêm các ngành học thuộc nhóm ngành khác theo nhu cầu xã hội để nuôi những ngành ít thí sinh đăng ký.
Để tiếp tục tạo thêm sức hút các nhóm ngành đặc thù trong mùa tuyển sinh 2022 - 2023, nhiều trường ngoài việc duy trì chính sách đãi ngộ lớn cho thí sinh (học bổng, cam kết việc làm) thì xu hướng đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp đang được đẩy mạnh.
TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang chia sẻ: Những ngành khó tuyển ở trường thực tế đều thuộc nhóm phát triển kinh tế biển. “Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức trong tuyển sinh của nhóm ngành trên không chỉ đến từ định kiến, xu hướng chọn ngành, mà một phần nguyên nhân đến từ khái niệm công việc học sinh nghĩ mình phải làm sau khi ra trường. Vì vậy, nhà trường đang đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng. Ba năm qua, trường đã kết hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh để tính toán nhu cầu nhân lực nhóm ngành khai thác thủy sản, quản lý thủy sản, khoa học thủy sản trong 5 - 10 năm tới, cũng như xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ nơi ở, chi phí sinh hoạt để thúc đẩy người học”, TS Phương thông tin.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt người học ở các ngành đặc thù, PGS.TS Đinh Xuân Thành - Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Các trường đại học cần chủ động hơn trong việc mở rộng liên kết với doanh nghiệp và các đối tác sử dụng lao động, từng bước đổi mới và kết hợp đào tạo chuyên sâu, cơ bản với mô hình đào tạo theo định hướng việc làm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
NGND.GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp thì cho rằng, để tạo sức hút và duy trì được hoạt động đào tạo nhân lực cho xã hội, nhà trường đã linh hoạt và thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp (nâng cao chất lượng đào tạo, tuyên truyền, học bổng, cam kết đầu ra việc làm) nhiều năm qua. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán này, ở cấp vĩ mô, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các ngành học đặc thù. Trong đó, việc xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho người học và đảm bảo việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp là không thể thiếu.
“Với địa bàn hoạt động trên phạm vi 42% diện tích lãnh thổ và gắn sinh kế của hơn 25 triệu đồng bào vùng miền núi, nhu cầu nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp cả về số lượng và chất lượng rất lớn. Sự sụt giảm về nguồn tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về lực lượng chuyên gia có chất lượng phục vụ cho ngành trong 10 năm tới.
Do đó, Chính phủ và các bộ ngành trong đó có Bộ GD&ĐT ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo hiện có, xây dựng và triển khai chính sách mang tính chất vĩ mô, cần nghiên cứu xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực một số lĩnh vực trọng điểm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và của vùng nông thôn miền núi, hải đảo. Chỉ có như vậy mới thu hút được người học, tiến tới là người học có chất lượng và việc “khát nhân lực” mới dần được giải quyết”, GS.TS Trần Văn Chứ nhấn mạnh.