Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Đề thi tạo sự bình đẳng trong tuyển sinh, đảm bảo trường nào người học đó

GD&TĐ -

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Đề thi tạo sự bình đẳng trong tuyển sinh, đảm bảo trường nào người học đó

Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế Thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 ban hành đã nhận được nhiều phản hồi tích cực trong các trường ĐH, CĐ cũng như đông đảo thí sinh và phụ huynh.

Đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung đưa ra trong quy chế không chỉ là việc đơn giản hóa kỳ thi nhằm mục đích giúp tiết kiệm lớn trong xã hội mà còn là việc đảm bảo đầy đủ các đánh giá cần thiết để phân loại thí sinh, đáp ứng việc xét tốt nghiệp THPT và để các trường ĐH, CĐ hoàn toàn chủ động xây dựng các phương án xét tuyển riêng tạo một không khí bình đẳng trong tuyển sinh và xét tuyển giữa các nhà trường.

Tạo sự bình đẳng trong tuyển sinh

Không khó để xã hội, người học có thể nhận thấy mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 này quyền tự chủ trong tuyển sinh đã được thể hiện một cách đầy đủ nhất.

Giờ đây trường nào có uy tín cao cũng đồng nghĩa với việc có sức hút lớn đối với người học và xã hội. Mùa tuyển sinh năm nay được báo hiệu là mùa tuyển sinh bình đẳng nhất giữa các trường ĐH, CĐ với nhau, sẽ có nhiều trường lấp kín chỉ tiêu mà mình đã xây dựng ngay trong đợt xét tuyển đầu, nhưng cũng sẽ có những trường tiếp tục khó khăn do uy tín xã hội còn chưa cao.

Nhưng nói gì thì nói, đây là thời điểm để các trường tự đánh giá mình một cách chính xác nhất năng lực đào tạo của mình - điều mà các nhà quản lý giáo dục và xã hội nhận định.

Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh, việc tính toán thế nào để đề thi đạt được các tiêu chí đó, thí sinh có sức học thế nào sẽ thể hiện trên bài làm và đây là căn cứ để các trường tuyển chọn người học, hay nói cách khác trường nào thí sinh đó tạo bình đằng trong các nhà trường trong tuyển sinh là điều xã hội kỳ vọng nhiều ở Kỳ thi THPT quốc gia này.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí & Đảm bảo CLGD (Bộ GD&ĐT): Để đạt được mục đích nói trên, đề thi sẽ đáp ứng yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh.

Có thể hiểu là đề thi sẽ phản ánh năng lực học tập của thí sinh qua kết quả các môn thi. Các trường có thể dựa vào đó để tuyển người học phù hợp với yêu cầu của mình.

Trường tốp đầu tuyển thí sinh có lực học xuất sắc, giỏi, trường tốp dưới tuyển thí sinh lực học trung bình. Hoàn toàn chủ động trong việc xác định tiêu chí xét tuyển, các trường chỉ còn việc tính đúng, tính đủ, quảng bá hình ảnh, tạo uy tín, sức hút với xã hội để người học đến với mình.

TS Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, bộc bạch: Với các tiêu chí ra đề trong quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 đã đảm bảo đủ các yếu tố kỹ thuật giúp các trường ĐH, CĐ chủ động tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực của từng trường.

Tất nhiên để làm được việc đó không phải trường nào cũng thuận lợi vì điều đó còn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, uy tín xã hội và đẳng cấp của từng trường. Trường tôi đứng ở tốp giữa, chất lượng đào tạo đảm bảo nên xã hội người học tin tưởng.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi xác định tiêu chí quá lên để cuối cùng không tuyển hết chỉ tiêu. Trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng như hiện nay, khi người học - xã hội quyết định thì việc xác định chỉ tiêu với mức độ vừa đủ để đảm bảo chất lượng đào tạo để xã hội tin tưởng là điều cần thiết.

Đảm bảo trường nào thí sinh đó

Theo Bộ GD&ĐT đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ không có nhiều thay đổi, tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Trong tương lai gần đề thi sẽ theo hướng kiểm tra năng lực của thí sinh phù hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học.

Thực tế cho thấy, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua đã có bước chuyển biến mạnh theo hướng mở đánh giá năng lực học sinh ở một số môn thi nghị luận xã hội.

Kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ ở những môn nghị luận xã hội những năm qua cũng cho thấy thí sinh nào có năng lực tư duy tốt cũng luôn đạt điểm cao trong các bài thi được ra theo hướng mở.

Kế thừa những thành công về việc ra đề đó đề của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 này chắc chắn sẽ tiếp tục vận dụng các câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh đề thi theo hướng này không chỉ giúp hạn chế việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, mà còn giúp đánh giá năng lực chuyên biệt đặc biệt là trong nhóm các trường có đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn và trong tương lai gần, cách thức ra đề thế này chắc chắn sẽ khắc phục việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường hiện nay, đồng thời tác động tích cực đến việc đổi mới dạy, học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông.

Có một quy luật dù muốn hay không thì nhiều người phải thừa nhận, năng lực học tập của thí sinh thể hiện ở bài làm, thí sinh giỏi bài thi xuất sắc sẽ vào những trường tốp đầu và ngược lại.

Kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ rồi cũng đi vào chung cuộc trường nào thí sinh có năng lực học tập tương xứng, là điều mà các chuyên gia cùng nhận định.

Hiện nhiều trường đã đưa ra đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả thi của thí sinh nhưng chỉ với các tiêu chí trung bình, tất nhiên đây là những trường tốp dưới, còn với các đại học tốp đầu thì cũng là tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh, nhưng phải là những thí sinh có điểm thi cao nhất.

Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục sơ tuyển loại vòng đầu những thí sinh không đủ điều kiện. Cá biệt Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong thực hiện bài thi đánh giá năng lực thí sinh ngay trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2015 này.

Có thể thấy Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 này đang kế thừa những kinh nghiệm tốt trong công tác ra đề thi của những năm gần đây.

Đặc biệt Kỳ thi THPT quốc gia lại gánh 2 mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ nên nội dung đề thi không chỉ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu chương trình lớp 12 mà còn phải đảm bảo tất cả thí sinh dù thi ở cụm thi liên tỉnh hay cụm thi địa phương đều có thể làm được bài.

Tất nhiên đề thi sẽ đáp ứng đủ 2 yêu cầu trên là có phần cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và phần nâng cao để phân loại thí sinh phục vụ cho công tác xét tuyển ĐH, CĐ. Trường nào người học đó, thứ hạng này là thước đo của xã hội.

Đề thi năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi có 2 nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau, không tách biệt phần dùng để xét tốt nghiệp và phần để phân hóa xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thí sinh phải đọc hết cả đề thi để biết câu hỏi nào dễ và câu hỏi nào khó để bố trí thời gian làm bài hợp lý. Đề thi môn Ngoại ngữ ở Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục kế thừa những thành công, ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, chuyển hướng theo đánh giá năng lực thí sinh, đề có phần thi trắc nghiệm và phần thi viết. Về cách thức thi môn Ngoại ngữ sẽ thực hiện như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ