Đồng thời, trường THPT cần tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Cơ hội dành đều cho các phương thức
Theo số liệu thống kê, phương thức xét tuyển ĐH từ điểm thi THPT được nhiều thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH có xu hưởng giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 với hình thức này đồng thời tăng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác.
Theo TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - HCMUTE), năm 2019 nhà trường dành 70% chỉ tiêu cho việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên năm 2020 còn 50%. “Thí sinh nên chọn cả 2 phương thức khi đăng ký: Xét bằng học bạ và theo điểm thi THPT 2020” - TS Trần Thanh Thưởng lưu ý.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng có sự điều chỉnh chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển. Cụ thể, năm 2018 nhà trường dành 70% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, 10% xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Năm nay, trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển điểm đánh giá năng lực lên 40%, điều này đồng nghĩa với cơ hội cho thí sinh xét tuyển kết quả thi THPT sẽ ít đi.
ThS Lê Phúc - Trưởng ban Truyền thông Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM (TDTU) cho biết: Nhà trường đã cập nhật đề án tuyển sinh, trong đó không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng mà dồn chỉ tiêu cho 3 phương thức còn lại: Xét theo kết quả học THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng. Không tổ chức kỳ thi giúp giảm chi phí xã hội, phiền phức cho phụ huynh và HS, nhưng không làm ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển của thí sinh. “Trường dự kiến dành khoảng 30% - 40% chỉ tiêu cho phương thức thi tốt nghiệp THPT, còn lại để xét theo kết quả học tập bậc THPT và tuyển thẳng…”, ThS Lê Phúc thông tin.
“Các trường có nhiều phương thức và không cấm thí sinh xét tuyển cùng lúc. Do đó, các em nên tham gia xét tuyển bằng nhiều hình thức để tăng cơ hội cho mình” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), việc đa dạng phương thức xét tuyển tạo thêm điều kiện để thí sinh lựa chọn. Thế nhưng có thực tế không ít thí sinh chỉ biết đến phương thức điểm thi tốt nghiệp mà không tham khảo các phương thức xét tuyển khác.
Lựa chọn phương án xét tuyển phù hợp
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), các trường ĐH đã công bố phương thức tuyển sinh, trong đó, cho phép thí sinh có thể lựa chọn phương thức đăng ký xét tuyển khác nhau. Điều này, một mặt tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh nhằm chọn được ngành học, trường học mong muốn, nhưng mặt khác, lại vô tình làm “loãng” đi sự lựa chọn. Vì vậy, khi nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, thí sinh cần lưu ý lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất với năng lực của bản thân.
“Khi đăng ký, thí sinh nên lựa chọn phương thức xét tuyển bản thân có nhiều ưu thế để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất. Ngoài ra, các trường ĐH thường có chính sách học bổng đi kèm, do đó, khi cơ hội trúng tuyển cao, cơ hội nhận được gói học bổng cũng tương ứng” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT. Trường ĐH Văn Lang TPHCM (VLU) sớm điều chỉnh phương thức tuyển sinh nhằm tạo tâm lý tốt cho thí sinh. Trong đó, với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, VLU điều chỉnh thành hai lựa chọn: Xét điểm trung bình lớp 12; Xét điểm 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12). Với điều chỉnh này, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển đại học đúng thời hạn dù lộ trình kết thúc lớp 12 trễ so với dự kiến.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng điều chỉnh phương thức xét tuyển ĐH năm 2020. Bên cạnh các phương thức đã công bố (xét tuyển dựa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2020 của ĐHQG TPHCM và xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn), nhà trường áp dụng thêm hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, cho phép thí sinh dùng kết quả học tập của học kỳ I lớp 12 (đã hoàn tất trước thời điểm học sinh cả nước nghỉ do ảnh hưởng Covid-19) và hai học kỳ của lớp 11.
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh - Truyền thông HUTECH), nhiều trường ĐH bổ sung phương thức mới dựa trên kết quả học tập (xét điểm học bạ THPT) để thí sinh có thể tận dụng xét tuyển, không cần phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT; hoặc điều chỉnh các mốc thời gian nhận hồ sơ cho phù hợp với tình hình mới.
Dù thế nào đi nữa, các trường vẫn phải tuyển đủ chỉ tiêu của mình. Nên khi trường thu hẹp chỉ tiêu xét tuyển của phương thức này thì chỉ tiêu của phương thức xét tuyển khác sẽ tăng lên. Các thí sinh cần tham khảo kỹ phương thức xét tuyển của từng trường để có sự lựa chọn tốt cho mình. - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung