Tuyển sinh ĐH 2019: Thi đánh giá năng lực lên ngôi

GD&TĐ - Năm 2019, ngoài sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực là phương thức chiếm ưu thế hơn cả, được hàng loạt trường ĐH, CĐ triển khai.

Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do ĐHQG TPHCM tổ chức. Ảnh: Phương Anh
Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do ĐHQG TPHCM tổ chức. Ảnh: Phương Anh

Số thí sinh đăng ký tăng đột biến

Tại TPHCM, có đến 5 đại học và trường đại học tự đứng ra tổ chức thi theo phương thức đánh giá năng lực (ĐGNL) gồm: ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH FPT và ĐH Quốc tế. Ngoài ra, hơn 20 trường khác cũng sử dụng kết quả ĐGNL của ĐHQG TPHCM để xét tuyển, tăng gấp nhiều lần so với năm trước.

Tính đến thời điểm này đã có gần 36.000 thí sinh đăng ký dự thi ĐGNL đợt 1 do ĐHQG TPHCM tổ chức, tăng hơn 7 lần tổng số thí sinh dự thi năm trước.

Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), so với kỳ thi tổ chức lần đầu năm 2018 là 4.900 thí sinh, số lượng thí sinh đăng ký đợt 1 năm nay lên đến hơn 36.000 thí sinh là một thành công vượt bậc.

Con số trên đã khẳng định uy tín của kỳ thi ĐGNL, tạo sự tin tưởng đối với xã hội. Điều này thể hiện qua việc 17 đơn vị ngoài hệ thống ĐHQG TPHCM gồm 15 trường ĐH, 2 trường CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển trong năm nay.

Ông Chính cho biết: Nhiều trường sử dụng kết quả này là một trong những lý do khiến số thí sinh tăng đột biến. Chưa kể chỉ tiêu của các trường dành cho phương thức này cũng tăng cao: 25% - 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, bản thân thí sinh cũng muốn tăng cơ hội trúng tuyển cho mình thay vì chỉ tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.

Tương tự ĐHQG TPHCM, đây là năm thứ ba, Trường ĐH Luật TPHCM tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với thi ĐGNL do trường tự tổ chức. Đây là phần thi chiếm 30% tổng điểm khi xét tuyển, bên cạnh 10% học bạ và 60% điểm THPT quốc gia.

Dù là năm đầu tiên nhưng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến sẽ dành đến 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Tuy là hệ cao đẳng nhưng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng lần đầu tiên mạnh dạn tuyển 15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM cho 9 ngành học trọng điểm về công nghệ của trường.

Làm gì để đạt điểm cao

Đào Đặng Thanh Quỳnh, thí sinh đến từ Lâm Đồng, đang là sinh viên ĐHQG TPHCM cho biết: “Phần khó nhất của đề thi ĐGNL là toán học và tư duy logic. Bí quyết của em là làm bài từ đầu tới cuối, gặp phần khó thì tạm thời bỏ qua, chuyển tới câu khác. Em chọn cách vẽ sơ đồ liên hệ rồi ngược đáp án ở dưới lên kết hợp phương pháp loại trừ để chọn đáp án.

Đề thi có 120 câu làm trong 150 phút, theo em thời gian không quá eo hẹp. Năm ngoái, em và nhiều bạn hoàn thành bài thi khá nhanh chóng. Nếu lỡ làm không kịp thì có thể “đánh lụi” để cầu may, không nên bỏ sót. Hãy dành 2 phút để kiểm tra xem đã chọn hết đáp án chưa và có đánh lệch câu nào không”.

Đề thi ĐGNL đòi hỏi kiến thức nhưng không hẳn quá khó, nên những câu căn bản chỉ cần nghe giảng trên lớp đầy đủ là làm được. Các bạn học sinh nên tải đề thi minh họa về làm thử để tự đo lường kiến thức bản thân và biết cách phân bổ thời gian hợp lý.

Để đạt điểm cao kỳ thi ĐGNL, các thí sinh cần nắm vững kiến thức nền tảng và biết cách vận dụng. Cần ôn tập tất cả các môn học ở THPT, bởi từng mảng kiến thức đều hữu ích khi làm bài thi ĐGNL. Hãy luôn giữ nhịp độ làm bài, câu nào chắc chắn thì làm ngay, câu nào khó thì cố loại trừ bớt. Cũng như bất cứ kỳ thi nào, các bạn cần bình tĩnh, tự tin thể hiện mình.

Còn Nguyễn Thị Ngọc Trâm đến từ Ninh Thuận chia sẻ: Đề thi ĐGNL nhẹ hơn đề thi THPT quốc gia. Kiến thức trong đề thi rộng, nhưng không khó. Phần “lạ nhất” chính là logic nhưng mình vẫn tự tin làm hết. Bí quyết để làm tốt phần này là đọc và giải các “câu đố mẹo” có nhiều trên Internet, sau đó suy luận rồi loại trừ đáp án.

Bạn Vũ Minh Dương đến từ TPHCM nhận xét: “Đề thi ĐGNL đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng nhưng không quá khó. Cụ thể, phần tiếng Anh nếu so với các kỳ thi lấy chứng chỉ thì dễ hơn nhiều; phần logic hoàn toàn mới, khó có thể ôn tập trước được mà đòi hỏi mình phải tư duy, suy luận, loại trừ đáp án và chọn.

Riêng phần thống kê, thí sinh cần ôn luyện bằng cách sử dụng những kỹ năng có từ môn Địa lý ở THPT. Theo em, bất kỳ ai đã hoàn tất chương trình THPT cũng đều có thể thử sức với kỳ thi ĐGNL để được thêm cơ hội vào đại học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ