Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục chủ trì nhóm xét tuyển, lọc ảo miền Bắc. Có 59 cơ sở giáo dục đại học tham gia nhóm này. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc cho hay, khác với các phần mềm lọc ảo khác phần mềm xét tuyển của nhóm miền Bắc thực sự là xét tuyển.
Đây là năm thứ 7, ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì nhóm xét này. Các trường thành viên đã quen việc nên rất nhẹ nhàng. Hầu hết, không còn quan tâm đến khía cạnh xét tuyển, chỉ chờ đến đợt thì thay đổi chỉ tiêu, hay thay đổi nguyện vọng của từng ngành là có thể cho ra kết quả. Phần mềm này cũng thực hiện việc chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT.
“Chúng tôi đã xây dựng xong quy chế phối hợp giữa các trường thành viên. Các trường cũng cam kết bảo mật dữ liệu và có ủy quyền cho ĐH Bách khoa Hà Nội” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ và cho biết, trong thời gian lọc ảo, nhóm sẽ chạy lọc ảo 1 lần/ngày trước khi chuyển dữ liệu lên Bộ GD&ĐT.
Năm nay hệ thống chạy ổn định sau khi có những điều chỉnh từ năm trước. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường học, không cần đăng ký theo phương thức, tổ hợp xét tuyển.
ĐH Bách khoa Hà Nội đã kiểm tra tất cả các khâu và thấy ổn định. Năm ngoái, phần mềm chạy và cho kết quả chính xác, không có trường hợp nào sai sót. Năm nay, phần mềm tiếp tục được nâng cấp và thông minh hơn. Phần mềm có khuyến cáo các trường điều chỉnh chỉ tiêu sao cho phù hợp với chỉ tiêu đăng ký để không vượt ngưỡng nguy hiểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, các trường đại học được quyền tự chủ tuyển sinh nên dự báo sẽ bùng nổ các phương thức tuyển sinh. Thực tế này cũng xảy ra ở nhiều trường trên thế giới.
Lý do là, các trường muốn yên tâm về việc tuyển đủ chỉ tiêu, vì thế cần có thêm một số phương thức tuyển sinh; thậm chí có phương thức không tuyển được thí sinh nhưng sử dụng để tạo sự yên tâm nhất định cho bộ phận tuyển sinh, nhất là với lãnh đạo trường.
Tuy nhiên, cần xem xét đến tính công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Khi thực hiện xét tuyển, lọc ảo thì các phương thức xét tuyển sớm, nhất là xét tuyển bằng học bạ THPT đã chiếm rất nhiều chỉ tiêu. Vì thế, chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít nên điểm chuẩn được đẩy lên cao.
Với phương án này, thí sinh nằm trong diện đủ điều kiện xét tuyển sớm sẽ an tâm về mặt tâm lý nhưng gây ra sự bất bình đẳng về cơ hội cho thí sinh khác và một số hệ lụy khác. PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề xuất, cần khống chế về phần trăm, dưới 50% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển sớm.
Về công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội băn khoăn, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và hai môn tự chọn. Từ đây, có thể sinh ra rất nhiều tổ hợp xét tuyển.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền mong muốn, Bộ GD&ĐT có định hướng cho các cơ sở đào tạo về xây dựng phương thức xét tuyển nếu không sẽ hỗn loạn. Ngoài ra, cần xem xét các phương thức xét tuyển sớm, nhất là phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT để tránh mất công bằng cho thí sinh.
Bình luận
Nguyễn Ngọc Đức
Các trường đại học nên cân nhắc việc đưa Tin học và Công nghệ vào các ngành xét tuyển, đặc biệt là những ngành liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực STEM và các ngành có yếu tố công nghệ cao. O đó, nếu đưa Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển sẽ khuyến khích học sinh lựa chọn và đầu tư vào các môn học này, tạo điều kiện phát triển lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật số, và tự động hóa đang có nhu cầu lớn về nhân lực. Việc xét tuyển dựa trên các môn Tin học và Công nghệ sẽ giúp các trường đại học đào tạo ra những thế hệ sinh viên đáp ứng được nhu cầu này. Tin học là môn học đòi hỏi tư duy logic, khả năng phân tích, và kỹ năng công nghệ, nên kết hợp môn Tin học với những môn có tính tương hỗ cao trong việc phát triển các kỹ năng này như Toán - Tin học - Lý. Đây là tổ hợp lý tưởng cho các ngành học như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, và Mạng máy tính. Môn Toán và Lý cung cấp nền tảng vững chắc về tư duy logic và phân tích, trong khi Tin học giúp kiểm tra khả năng ứng dụng công nghệ. Việc đưa Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển sẽ khuyến khích học sinh lựa chọn và đầu tư vào các môn học này, tạo điều kiện phát triển lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Thích Trả lời