Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng: Thay đổi cần có lộ trình

GD&TĐ - Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022, trong đó có “dự lệnh” về một số điều chỉnh trong năm tới.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi trong công tác tuyển sinh cần có lộ trình, tránh gây xáo trộn và ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội.

“Dự lệnh” cho năm 2023

Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), từ năm 2023, trường dự kiến không tuyển sinh phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác; chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp/xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu sau khi trừ đi số thí sinh diện tuyển thẳng theo quy chế.

Trước thông tin này, GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - trao đổi: Năm 2023, nhà trường dự kiến áp dụng nhiều phương thức trong xét tuyển. Chủ trương này nhằm mở rộng cơ hội cho các đối tượng học sinh khác nhau được vào học tập tại trường; đồng thời thực hiện sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế phát triển.

GS.TS Trần Thị Vân Hoa khẳng định, trong các phương thức xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhà trường sử dụng để xét tuyển cùng với các tiêu chí khác như: Điểm trung bình học THPT, IELTS… Riêng nội dung tuyển sinh của năm 2022, đề án chính thức của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không có quá nhiều thay đổi so với kế hoạch được trường công bố trước đó.

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 6.100 sinh viên, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái. Bên cạnh việc giữ ổn định 3 phương thức như năm 2021, gồm: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (tổng 63% chỉ tiêu); theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (35%); kết quả thi đánh giá tư duy năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội…

So với năm 2021, đề án tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2022 cho thấy, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đã giảm từ 50 - 70% (các năm trước) xuống còn 35%. Do đó, với dự kiến phương án tuyển sinh năm 2023 mà trường đưa ra không quá bất ngờ, thậm chí đã có lộ trình.

Xu thế chung là các cơ sở giáo dục đại học sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển từ phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: TG
Xu thế chung là các cơ sở giáo dục đại học sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển từ phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: TG

Bảo đảm nguyên tắc ổn định

Theo ghi nhận, ngay trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học đã công bố bổ sung các phương án tuyển sinh mới và giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT. TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội - nhìn nhận, theo cơ chế tự chủ, xu thế chung là các cơ sở giáo dục đại học sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển từ phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tức là giảm dần sự phụ thuộc vào kết của kỳ thi này, bởi mục tiêu chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh.

“Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, các trường sẽ sử dụng những căn cứ khác trong tuyển sinh nhằm tuyển chọn người học phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi cũng cần có “dự lệnh” và lộ trình để thí sinh và phụ huynh không bị “sốc”, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội” - TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) yêu cầu, các cơ sở giáo dục đại học cần đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định. Theo đó, đối với phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ cần có lộ trình giảm. Ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm. Điều này nhằm không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh do các em đã có thời gian dài chuẩn bị dự tuyển theo phương thức được các trường công bố từ trước.

Ngoài ra, mỗi ngành tuyển sinh (có thể theo nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình) phải có một mã tuyển sinh/mã xét tuyển riêng cho từng phương thức tuyển sinh, để thuận tiện các mã này chỉ khác nhau một chữ số/ký tự cuối cùng. Cơ sở giáo dục đại học chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển.

Theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - quy định: Các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh trong cùng một ngành phải giải thích rõ lý do cũng như công khai chỉ tiêu, điểm thi cho từng phương thức. Năm 2021 về trước, dù nhiều phương thức nhưng khoảng 55% thí sinh trúng tuyển vào đại học căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT và 35% trúng tuyển bằng học bạ. Các phương thức còn lại dưới 10%. Việc sử dụng phương thức tuyển sinh khác nhau mang lại nhiều quyền lợi cho thí sinh và không lo lắng về chất lượng nguồn tuyển, vì các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội.

Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều chuyên gia đặt vấn đề về việc, Bộ GD&ĐT thành lập các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính. Theo đó, thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm mà vẫn bảo đảm được tính minh bạch, công bằng giữa các lần thi.

TS Trương Tiến Tùng viện dẫn, Bộ GD&ĐT từng khẳng định, tuyển sinh đại học sẽ cơ bản giữ ổn định đến 2025, có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật; đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, việc triển khai của địa phương và cơ sở giáo dục đại học trong tổ chức kỳ thi. Do đó, các trường nên bám sát chủ trương này để thực hiện công tác tuyển sinh tại đơn vị mình, bảo đảm khách quan, công bằng, tránh đột xuất, bất ngờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ