Tuyển sinh 2024: Vượt 'ma trận'

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT khuyến cáo tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn cho thí sinh.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: UEF
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: UEF

Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học vẫn đưa ra nhiều “chiêu” lắt léo khiến thí sinh lúng túng.

Nhiều điều kiện ràng buộc

Con gái học lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai), từ cuối năm 2023, chị Lê Thị Thanh (TP Biên Hòa) bắt đầu tìm hiểu thông tin để chọn trường đại học cho con. Với học lực giỏi, thế mạnh ở môn Khoa học xã hội, chị Thanh và gia đình định hướng cho con vào khối ngành xã hội, nhân văn, luật. Trường Đại học Luật TPHCM là một trong những lựa chọn “mơ ước” của con gái chị. Tuy nhiên, khi đọc phương án tuyển sinh của nhà trường năm 2024 được công bố trên cổng thông tin, chị Thanh không khỏi bối rối.

Về cơ bản, Trường Đại học Luật TPHCM sử dụng 2 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. “Tuy nhiên, trong phương thức tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, các điều kiện khá rắc rối về chứng chỉ tiếng Anh, học sinh giỏi, danh sách trường liên kết…”, chị Thanh chia sẻ và viện dẫn:

Với điều kiện xét tuyển sớm, trường yêu cầu thí sinh phải hội đủ 4 điều kiện: Đã tốt nghiệp THPT; phải học đủ 3 năm tại các trường có tên trong danh sách trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển sớm năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM; kết quả học tập của năm lớp 10, 11 và 12 xếp loại giỏi và có tổng điểm trung bình năm học của 3 năm THPT đạt từ 24,5 trở lên; điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, 11 và học kỳ I năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên. “Quá nhiều điều kiện trong một phương thức tuyển sinh. Tôi và con gái mất nửa buổi mới đọc và hiểu được.

Tâm trạng của chị Thanh cũng là nỗi niềm chung của nhiều phụ huynh, học sinh khi tìm hiểu các phương thức tuyển sinh của trường đại học hiện nay.

“Rất nhiều phương thức, trong một phương thức lại gồm điều kiện khác nhau, có khi một điều kiện chia thành các điều kiện nhỏ hơn”, Nguyễn Ngọc Hùng - học sinh lớp 12 (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh ở một số trường đại học thuộc khối kỹ thuật, công nghệ. Hùng dẫn chứng phương án tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).

Theo đó, nhà trường áp dụng 5 phương thức xét tuyển với chỉ tiêu tương ứng, áp dụng cho tất cả nhóm ngành: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh là người nước ngoài; Xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand); Xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí.

Trong số này, phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí phù hợp với đa số thí sinh và được Hùng nhắm đến. Tuy nhiên, phương thức này kết hợp bao gồm 3 thành tố và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển: Học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.

Trong tiêu chí học lực lại gồm 3 thành phần nhỏ là điểm học tập ở cấp THPT (bao gồm 6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (bao gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực… “Nhiều phương thức sẽ thêm lựa chọn cho thí sinh, tăng cơ hội nộp hồ sơ để trúng tuyển nhưng nếu điều kiện đi kèm rắc rối thế này càng làm chúng em khó khăn, không biết chọn cái nào phù hợp”, Hùng cho biết.

Theo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2024 được nhiều trường đại học công bố, trung bình mỗi trường áp dụng đồng thời 4 - 6 phương thức xét tuyển. Ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, các phương thức được nhiều trường sử dụng là xét điểm học bạ THPT; kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét điểm một số kỳ thi đánh giá năng lực (do 2 Đại học Quốc gia và các trường đại học tổ chức). Nhưng trong mỗi phương thức, các trường sẽ ràng buộc điều kiện tuyển sinh; tổ hợp xét tuyển; chứng chỉ đi kèm khác nhau.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định cho biết, về cơ bản, phương án tuyển sinh các trường đại học sẽ ổn định theo định hướng của Bộ GD&ĐT, khi quy chế tuyển sinh năm 2024 ổn định như năm 2023. “Có thể sẽ có thêm phương thức tuyển sinh mới, tùy thuộc vào đề án tuyển sinh, do các trường quyết định”, TS Toàn nói.

Học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (TPHCM) tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: HUIT

Học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (TPHCM) tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: HUIT

Tận dụng nhiều phương thức xét tuyển

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, học sinh có xu hướng lựa chọn trường đại học có mức điểm trúng tuyển năm ngoái tương đương lực học của mình. Tuy nhiên, việc các trường đại học đưa ra nhiều phương thức với điều kiện “quá mức” khiến người học khó khăn trong lựa chọn.

“Một số trường sử dụng nhiều tổ hợp môn, công thức tính cộng với điểm của các điều kiện khác như chứng chỉ ngoại ngữ, hoạt động xã hội… làm thí sinh khó tính toán, lượng sức. Tôi nhiều khi còn thấy bối rối khi thử tính toán các phương thức này”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ThS Phạm Thái Sơn, học sinh nên tận dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức mang tính “truyền thống” như xét học bạ THPT và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. “Đừng nên quá tự tin vào một phương thức nào đó vì có thể các trường đại học lấy điểm cao hơn điểm chuẩn cùng phương thức đó ở các năm trước”, ThS Sơn khuyến cáo.

Cùng quan điểm trên, TS Mai Đức Toàn, Trường Đại học Gia Định nhìn nhận, thời điểm này, học sinh nên chủ động tìm hiểu, tham gia xét tuyển bằng học bạ THPT vì bước vào học kỳ II của năm lớp 12, đã biết được điểm trung bình học kỳ của lớp 12.

“Lời khuyên của tôi là các bạn nên ưu tiên chọn xét tuyển bằng học bạ sau đó bổ sung xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường bản thân yêu thích. Mỗi phương thức nên chọn 1 - 3 ngành/trường để giảm tỷ lệ ảo và tăng tỷ lệ trúng tuyển. Ngoài ra, nên ưu tiên đặt nguyện vọng 1 xếp thứ tự đầu tiên ở bất kỳ phương thức nào để tăng tỷ lệ trúng tuyển”, ông Toàn nói.

Trong cùng một cách xét tuyển, nhiều trường chia nhỏ thành các phương thức với điều kiện khác nhau. Chẳng hạn, trong 4 phương thức xét tuyển độc lập của Trường Đại học Công nghệ TPHCM năm 2024, việc xét học bạ THPT theo 2 cách: Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.