Tuyển sinh 2021: Dự phòng phương án ứng phó với Covid-19

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ sở đào tạo đã điều chỉnh kế hoạch xét tuyển và lên phương án dự phòng tuyển sinh.

ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định tư vấn tuyển sinh cho thí sinh thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: NVCC
ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định tư vấn tuyển sinh cho thí sinh thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: NVCC

Sẵn sàng thích ứng

ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) đặt giả thiết: Nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục thực hiện cách làm của năm 2020 là: Chia kỳ thi thành nhiều đợt. Theo đó, với những thí sinh ở vùng an toàn có thể tổ chức thi trước, còn các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thi sau. Tất nhiên, các cơ sở giáo dục đại học sẽ dành chỉ tiêu nhất định cho những thí sinh thi đợt sau, bảo đảm công bằng và hài hoà quyền lợi cho các em.

Theo ThS Trịnh Hữu Chung, các cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm trong tuyển sinh và đều dự kiến kế hoạch từ năm 2020. “Trường ĐH Gia Định - trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ tính đến phương án điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức” - ThS Trịnh Hữu Chung chia sẻ, đồng thời cho biết, nhà trường cũng có thể kéo dài thời gian tuyển sinh hơn so với kế hoạch ban đầu.

Tuyển sinh 2021: Dự phòng phương án ứng phó với Covid-19 ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Dù chưa có điều chỉnh chi tiết về phương án tuyển sinh nhưng nhà trường luôn chủ động, sẵn sàng khi có những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT. “Với mong muốn giúp thí sinh yên tâm trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Gia Định áp dụng hình thức nhận đăng ký xét tuyển học bạ online và trao học bổng cho những thí sinh nộp hồ sơ sớm” - ThS Trịnh Hữu Chung nhấn mạnh.

Cho rằng, việc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức trong tuyển sinh, ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay:

Năm nay, các trường đều áp dụng 5 - 7 phương thức xét tuyển. Đơn cử như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng sử dụng 6 phương thức xét tuyển. Hơn nữa, cơ sở đào tạo đại học được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh và ít nhiều có kinh nghiệm “tuyển sinh trong mùa dịch” - năm 2020. Vì thế, các trường sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác này.

“Ở thời điểm này chưa thể “chốt” việc điều chỉnh phương án xét tuyển hoặc phương thức tuyển sinh dự phòng. Nhưng nhà trường luôn chủ động và sẵn sàng thích ứng với thực tiễn khách quan, để vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh, vừa an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh”, ThS Phùng Quán nhận định.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG

Điều chỉnh kế hoạch

TS Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính (Hà Nội) khẳng định: Nhà trường nghiêm túc thực hiện các quy định và làm theo hướng dẫn của của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và nếu Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành các đợt khác nhau, công tác tuyển sinh nên áp dụng theo cách làm của năm 2020, nhằm hài hoà giữa quyền lợi của thí sinh và nhà trường; đồng thời thích ứng với thực tiễn.

Theo lãnh đạo Học viện Tài chính, rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay nhà trường có điều chỉnh trong đề án tuyển sinh về chỉ tiêu với các phương thức xét tuyển. Theo đó, tổng chỉ tiêu của học viện là 4.000 sinh viên, trong đó xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT ít nhất bằng 50%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển kết hợp.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội) chia sẻ: Mọi công việc vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhà trường luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong trường hợp dịch chưa thể khống chế, nhà trường sẽ điều chỉnh để tăng chỉ tiêu xét học bạ THPT của các thí sinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và để tạo thuận lợi cho thí sinh, nhiều trường đại học đã điều chỉnh kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ đến ngày 23/6 bằng hình thức trực tuyến. Quy định này nhằm hạn chế việc thí sinh phải trực tiếp đến trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nhà trường hướng dẫn khá chi tiết cách thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh, thí sinh rất dễ dàng thực hiện cũng như nộp lệ phí đăng ký trực tuyến.

Học viện Tài chính (Hà Nội) tạm thời chưa nhận hồ sơ nộp trực tiếp của thí sinh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hiện nhà trường hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, thời hạn đăng ký đến ngày 6/6. Đây cũng là cách làm của Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội). Thời hạn đăng ký đến 17 giờ ngày 20/6.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy - học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị, các cơ sở đào tạo chủ động chuẩn bị phương án điều chỉnh kế hoạch dạy và học để ứng phó kịp thời khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần bảo đảm an toàn trong các sự kiện kết thúc năm học, đồng thời lên phương án dự phòng trong công tác tuyển sinh năm 2021. Mặt khác, chuẩn bị các điều kiện dự phòng về nhân lực và cơ sở vật chất khi có yêu cầu và theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.