Tuyển sinh 2021: Để các cơ sở giáo dục đại học không bị “tuýt còi”

GD&TĐ - Cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ tuyển sinh, trong đó có việc xác định, thực hiện chỉ tiêu hàng năm. Nhưng, tự chủ cần gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội, người học và phải tuân thủ luật định.

Các cơ sở đào tạo được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Ảnh minh họa
Các cơ sở đào tạo được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Ảnh minh họa

Có thể dừng tuyển sinh 5 năm

Từng thiếu sót trong công tác tuyển sinh ngành Dược dẫn đến những “lùm xùm” trong dư luận xã hội – năm 2020, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phải nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả và rút ra bài học lớn trong công tác tuyển sinh.

GS.TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thừa nhận: Để xảy ra sai sót như vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín. Trường đã tích cực khắc phục những hạn chế để làm tốt hơn công tác quản lý, đào tạo, trong đó có chỉ đạo tuyển sinh.

Năm nay, nhiều chuyên gia khuyến cáo, dù được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng điều đó không đồng nghĩa các trường muốn làm gì thì làm. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Các trường phải thực hiện công khai, minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, để cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, kiểm tra, xã hội giám sát và người học lựa chọn đăng ký xét tuyển.

“Vẫn biết, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh nào là quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, các trường phải thực hiện công khai minh bạch, có trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở nào vi phạm sẽ có chế tài xử lý theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.

Đồng quan điểm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng kiến nghị: Cơ sở đào tạo vi phạm quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy theo mức độ vi phạm, Bộ GD&ĐT xem xét, thông báo chỉ trên cơ sở đề nghị của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không vượt quá 90% năng lực thực tế của cơ sở đào tạo.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Mở Hà Nội năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Mở Hà Nội năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền 

Không “lạm quyền” tự chủ

Theo dự thảo Thông tư “Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ” của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỉ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh của năm trước liền kề năm tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo không được tăng so với năm trước liền kề ở một trong các trường hợp: Cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành; Tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong vòng 1 năm tính từ khi đang công nhận tốt nghiệp theo trình độ đào tạo ở năm trước liền kề đạt dưới 90%; Tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh theo trình độ đào tạo ở năm trước liền kề đạt dưới 80%.

Tán thành với dự thảo thông tư, TS Trương Tiến Tùng nêu quan điểm: Quy định trên là hành lang pháp lý, cơ sở để các trường nhìn nhận năng lực đào tạo của mình, từ đó tự xác chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp để không bị “tuýt còi”. “Cần hiểu tường minh, tự chủ không có nghĩa là tự do. Tự chủ nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của pháp luật, với những quy định, chế tài để các trường không được “lạm quyền” - TS Trường Tiến Tùng nêu quan điểm.

Để công tác tuyển sinh đúng quy định và phát huy quyền tự chủ của trường, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Theo đó, Bộ yêu cầu, cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền. Các cơ sở đào tạo chủ động phân chia chỉ tiêu của từng ngành và nhóm ngành đào tạo, bảo đảm phù hợp với năng lực thực tế của ngành, nhóm ngành và không vượt quá chỉ tiêu đã được xác định theo lĩnh vực đào tạo.

Bộ GD&ĐT lưu ý, đề án tuyển sinh của các trường phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định. Trong đó, công khai minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện sơ tuyển, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng, chính sách ưu tiên của cơ sở đào tạo gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị, đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải xây dựng và công bố công khai trên trang điện tử của cơ sở đào tạo trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Các cơ sở đào tạo phải bảo đảm tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong cổng thông tin tuyển sinh với các thông tin trong đề án. Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung trong đề án với Bộ GD&ĐT cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, điều kiện bảo đảm chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án. Đề án phải gửi về Bộ GD&ĐT ngay sau khi đăng trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ