Không tổ chức kỳ thi riêng
Mặc dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng phương án tuyển sinh nhưng PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam khẳng định: Học viện sẽ không tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Học viện nghiêng về phương án tuyển sinh thông qua xét học bạ THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.
“Sau khi trúng tuyển, nhà trường có thể áp dụng bài kiểm tra, khảo sát kiến thức của tân sinh viên để có hướng đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng ban đầu. Còn quyết định cuối cùng sẽ được chúng tôi công bố trong thời gian tới” - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho hay.
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, chúng ta đang tiệm cận với giáo dục đại học trên thế giới. Nhiều nước phát triển và đang phát triển quan tâm, chú trọng đến quá trình học tập và kết quả học tập THPT. Đây là cơ sở để trường đại học tuyển sinh. Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cũng sẽ áp dụng phương thức này.
“Chúng tôi sẽ có kế hoạch đào tạo để sàng lọc chất lượng sinh viên. Chẳng hạn: Những sinh viên chịu khó học tập và đạt kết quả theo quy định, 5 - 6 năm có thể ra trường. Với sinh viên yếu, kém, lười học có thể phải mất 7 - 8 năm mới tốt nghiệp. Chúng tôi quan tâm đến chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra. Đầu vào cũng rất quan trọng nhưng chỉ là một trong những chỉ số trong công tác tuyển sinh và đào tạo” - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh trao đổi.
Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Nhà trường chờ Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để “chốt” phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường dự kiến một số phương án, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT của thí sinh.
Phương án cụ thể, chi tiết sẽ được công bố sau khi Bộ GD&ĐT có thông tư hướng dẫn về tuyển sinh. “Quan điểm của nhà trường là: Giảm áp lực cho thí sinh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em có cơ hội đạt được nguyện vọng vào học tại Trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Chia sẻ lý do lựa chọn phương án xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: Nhà trường tin tưởng vào kết quả của kỳ thi này, vì đề thi được Bộ GD&ĐT thẩm định; vẫn có độ phân hóa để phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi. Trên cơ sở đó, trường đại học có thể làm căn cứ để xét tuyển, phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường mình.
Trước băn khoăn về chất lượng đầu vào nếu các trường đại học tuyển sinh dựa trên kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển dựa theo học bạ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Không nên quan ngại. Bởi đề thi vẫn có sự phân hóa. Hơn nữa, đầu vào chỉ là một trong những tiêu chí, quan trọng nhất vẫn là quá trình đào tạo trong trường. Thí sinh nào có khả năng, kiến thức thực sự sẽ tiếp tục phát triển. Còn trường hợp không có năng lực thực sự sẽ tự đào thải.
Môi trường giáo dục đại học khác với giáo dục phổ thông ở chỗ đó. Các em vào được giảng đường đại học rồi, không có nghĩa là yên tâm chờ ngày ra trường để lấy tấm bằng cử nhân, kỹ sư hay bác sĩ. Mà đó là quá trình rèn luyện và nỗ lực học tập không ngừng mới có được tấm bằng ấy.
“Quan điểm giáo dục ở châu Âu, đầu vào có thể “mở” để tạo cơ hội cho người học được tiếp cận với giáo dục đại học nhưng họ coi trọng quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Đã đến lúc chúng ta cũng nên tham khảo, vận dụng xu hướng đó, để giảm áp lực thi cử cho học sinh” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nêu vấn đề.
Trước đó, các trường đại học thuộc nhóm ngành đào tạo y, dược trên cả nước đã có hội nghị trực tuyến, do Trường ĐH Y Hà Nội chủ trì, để bàn phương thức tuyển sinh 2020. Tại hội nghị, nhiều trường nghiêng về phương án sử dụng kết quả học tập bậc phổ thông và điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh để xét tuyển.