Ở đợt xét tuyển này, không chỉ các trường tốp dưới, trường ngoài công lập mà có mặt nhiều trường tốp giữa, trong đó có cả các khối trường quân đội, công an. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc các trường này xét tuyển đợt 2 vừa để giữ chất lượng nguồn tuyển, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những thí sinh chưa may mắn ở đợt xét tuyển lần 1.
Nhiều cơ hội bổ sung
Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung năm 2019 dành cho các chương trình đào tạo gắn với khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Trường Đại học Thủy lợi thông báo xét tuyển bổ sung đối với các ngành đào tạo tại cơ sở chính ở Hà Nội và Phố Hiến (Hưng Yên).
Theo đó, cơ sở Hà Nội tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung là 290 cho 13 ngành đào tạo. Tại cơ sở sở mở rộng Phố Hiến (Hưng Yên) trường này tuyển bổ sung các ngành: Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô, Quản trị kinh doanh, Kế toán, mỗi ngành 30 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ là 14 điểm, riêng ngành Công nghệ thông tin là 16 điểm. Trường Đại học Mỏ địa chất thông báo tuyển bổ sung 1.030 chỉ tiêu cho 21 ngành theo kết quả thi THPT quốc gia 2019. Điểm xét tuyển từ 14 - 15 trở lên, riêng ngành Kỹ thuật điện và Tự động hóa, chuyên ngành Tự động hóa điểm xét tuyển là 17,5.
Trường Đại học Điện lực tuyển bổ sung 1.450 sinh viên tại 19 ngành đào tạo phổ thông và 7 ngành chất lượng cao. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung theo học bạ phổ biến từ 18 - 21, còn theo kết quả thi THPT quốc gia là 14 - 15. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử lấy điểm nhận hồ sơ cao nhất là 16,5. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tuyển bổ sung 1.120 chỉ tiêu cho 20 ngành của 2 cơ sở tại Hà Nội và Thanh Hóa.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia cho tất cả ngành là 14 và theo kết quả học tập lớp 12 là 18. Đại học Kiến trúc Hà Nội thông báo tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu cho 7 chuyên ngành, trong đó Xây dựng dân dụng và công nghiệp là ngành có ngưỡng điểm đầu vào cao nhất: 16, các chuyên ngành còn lại lấy từ 14,5 - 15 điểm. Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tuyển bổ sung 4 chuyên ngành là Hội họa, Điêu khắc, Gốm và Thiết kế Công nghiệp với ngưỡng điểm từ 15,5 - 18,38, trong đó môn năng khiếu từ 5 điểm trở lên.
Trong số các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục thông báo tuyển bổ sung cho 5 ngành: Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục. Số lượng tuyển bổ sung của mỗi ngành là 30 sinh viên với ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 16. Năm 2019, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo mức điểm trúng tuyển vào trường từ 16 - 22, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử.
Một đơn vị khác của ĐHQG Hà Nội là Khoa Quản trị kinh doanh, cũng thông báo tuyển sinh bổ sung chương trình Cử nhân Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ (MET) với ngưỡng điểm xét tuyển là 16 cho các tổ hợp A00, A01, D01, D03, D04, D90, D91, D95. Đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5, TOEFL 500, TOEIC 600 trở lên, tổng điểm hai môn còn lại đạt tối thiểu 12 điểm, trong đó bắt buộc có môn Toán. Yêu cầu là thí sinh phải vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng Tuyển sinh trước khi đăng ký chương trình Cử nhân MET.
Giữ chất lượng nguồn tuyển
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc các trường không hạ quá thấp điểm trúng tuyển để có thể lấy hết chỉ tiêu ngay trong đợt gọi nhập học đầu tiên cũng không ngoài mục đích giữ chất lượng nguồn tuyển. Như ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường này đưa ra điểm trúng tuyển đợt 1 hết sức hợp lý, tuy nhiên việc không tuyển hết chỉ tiêu vẫn xảy ra và trường phải xét tuyển bổ sung.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập năm lớp 12 có điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn học (nhân hệ số 2 đối với môn chính) theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 23,0 điểm trở lên. Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 với điều kiện điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 (nhân hệ số 2 đối với môn chính) theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 20.0 điểm trở lên. Những tiêu chí này được các chuyên gia cho là phù hợp để bảo đảm đào tạo chất lượng.
Còn Trường Đại học Trà Vinh, một đại học học còn non trẻ nhưng uy tín đang ngày càng cao, việc xét tuyển bổ sung đợt 2 cũng là điều trường này phải thực hiện và căn nguyên không gì khác là để bảo đảm chất lượng nguồn tuyển. Trường xét tuyển đợt 2 cho 43 ngành đại học, 18 ngành đại học liên thông chính quy và 1 ngành Cao đẳng Giáo dục mầm non.
Những ngành học xét tuyển bổ sung do còn chỉ tiêu và mức điểm xét tuyển của trường xây dựng là đảm bảo tiêu chí chất lượng theo yêu cầu của trường. Lý giải vể việc này, ông Nguyễn Đồng Khởi, chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Đại học Trà Vinh cho biết: Là trường đại học còn trẻ lại nằm ở một tỉnh nghèo nhất nước có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên vừa đảm bảo chất lượng đào tạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị là việc làm rất khó đối với nhà trường. Tuy nhiên quan điểm của trường là phát triển bền vững trên nền tảng xây dựng chất lượng nên chúng tôi vẫn ưu tiên cho các yếu tố bảo đảm cần thiết.
Nhận định về bức tranh xét tuyển các nguyện vọng bổ sung năm nay, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - chuyên gia tuyển sinh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường là việc hết sức bình thường. Cho dù quyền tự chủ được cho phép nhưng các trường đã trách nhiệm với người học và xã hội khi xây dựng điểm chuẩn khá cao nhằm giữ chất lượng nguồn tuyển.
Chính vì điểm chuẩn cao nên tuyển không hết chỉ tiêu và buộc phải xét tuyển bổ sung. Với các tiêu chí, mức điểm xét tuyển bổ sung được các trường đưa ra vẫn đảm bảo các yêu cầu nguồn tuyển chất lượng. Việc các trường tuyển bổ sung không chỉ bảo đảm chất lượng nguồn tuyển mà người học cũng có lợi khi điểm cao nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường nào đó vẫn có thể đăng ký xét tuyển lại và rất nhiều cơ hội tốt đẹp khác đang chờ đón thí sinh.