Tuyển sinh 2015: Không có chuyện buông lỏng chất lượng

GD&TĐ - Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường ĐH, CĐ khác với chỉ tiêu. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chất lượng. Nhà trường sẽ xét tuyển từ cao xuống cho đến đủ chỉ tiêu. Vì vậy, không có chuyện buông lỏng chất lượng.

Tuyển sinh 2015: Không có chuyện buông lỏng chất lượng

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khi trả lời giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên VnExpress về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Không bỏ sót thí sinh điểm cao vào ĐH

Trước một số ý kiến lo lắng, việc xét tuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải tỏa: Trước đây, thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi tổ chức kỳ thi. Nhưng từ năm 2015, sau khi có kết quả thi, thí sinh mới cân nhắc lựa chọn xét tuyển vào các trường phù hợp.

Điều này giúp thí sinh được tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi. Bên cạnh đó, các trường cũng tuyển sinh được thí sinh phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, tránh sự rủi ro như những năm trước đây, có trường hợp thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Nói rõ thêm về vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT)cho biết: Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy quy định điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Sẽ có một phần mềm quản lý thi, cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình tuyển sinh của các trường để thí sinh biết, cân nhắc thay đổi, lựa chọn đăng ký xét tuyển. Đây cũng là yếu tố thuận lợi, giúp không bỏ sót thí sinh có điểm cao vào ĐH.

Đi sâu vào chất lượng đào tạo, đặc biệt là nhân lực sư phạm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề then chốt của giáo dục và đổi mới giáo dục.

Do vậy, ngành Giáo dục đang tập trung vào việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá của các trường sư phạm; lưu tâm cả lĩnh vực đào tạo mới và bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ hiện nay, để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới.

Đồng thời, thực hiện rà soát việc quy hoạch mạng lưới và phương thức tổ chức quản lý các trường ĐH trên cả nước, trong đó có trường sư phạm; dừng tuyển sinh đào tạo từ xa với chuyên ngành sư phạm nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay.

Một số lưu ý trong kỹ thuật xét tuyển

Trước một số vấn đề kỹ thuật cụ thể của công tác xét tuyển, có ý kiến bày tỏ băn khoăn, các trường sẽ xét tuyển căn cứ vào tiêu chí nào nếu nhiều hồ sơ có điểm số bằng nhau.

Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết: Công tác tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ theo luật Giáo dục ĐH.

Các trường sẽ có quy định cụ thể về công tác tuyển sinh để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời đáp ứng chất lượng nguồn tuyển trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.

Trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các tiêu chí phụ để lựa chọn các thí sinh có cùng điểm. Những thông tin này được các trường công bố công khai.

Về khối thi xét tuyển đại học sẽ vẫn là tổ hợp các khối thi, môn thi như trước. Các trường có thể có thêm tổ hợp khối thi mới. Nhưng Bộ đã quy định chỉ tiêu để xét khối thi mới không vượt quá 25%.

Đồng thời, các nhà trường muốn bỏ khối thi truyền thống, thay khối thi mới phải thông báo trước ít nhất 3 năm. Tức là khi học sinh vào lớp 10 đã biết để định hướng việc học tập.

Những trường tuyển sinh riêng đều có đề án tuyển sinh, trong đó chỉ rõ cách thức tuyển sinh của trường.

Các đề án này được công bố rộng rãi trên trang điện tử của trường và website của Bộ GD&ĐT, báo Giáo dục và thời đại.

Với câu hỏi: Vậy với các đối tượng thi liên thông, việc thi, xét tuyển năm nay có gì khác? Cục trưởng  Mai Văn Trinh cho biết: Riêng đối tượng thi liên thông, dự thi THPT quốc gia để tuyển sinh vào ĐH chỉ đăng ký thi các môn phù hợp với quy định về khối thi do trường ĐH quy định cụ thể cho các ngành.

Thí sinh cùng làm một đề thi chung như các đối tượng khác, công tác coi thi chấm thi cũng được thực hiện giống như các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Việc đăng ký dự thi sẽ có hướng dẫn cụ thể cho mọi đối tượng tham gia dự thi này.

Việc đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội là chủ trương nhất quán của Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian qua chúng tôi đã cụ thể hóa theo hướng: Chỉ đạo và khuyến khích các trường ĐH mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình góp ý thiết kế chương trình đào tạo;

Có những báo cáo sinh hoạt chuyên môn, tạo điều kiện cho việc thực tập của sinh viên, đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Đồng thời, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp lớn thành lập các trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp...

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ