Tuyên Quang cần chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch

GD&TĐ - Tuyên Quang cần chú trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Tuyên Quang cần chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tỉnh hoàn thành 21/21 chỉ tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,7%; thu hút 1,44 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách nhà nước tăng 19,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,48%. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển ổn định các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mía, vùng gỗ nguyên liệu, cây ăn quả...

Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm năng lợi thế chưa được phát huy; quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; năng lực cạnh tranh, năng suất lao động còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế; khó khăn trong thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng về công nghiệp chế biến, nông nghiệp hàng hóa, du lịch...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Tuyên Quang tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính liên vùng như dự án đường Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai,...). Chú trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch (đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch). Tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án (dự án khu du lịch Mỹ Lâm, Na Hang, Lâm Bình). Phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch.

Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4-5%/năm, hướng ra của Tuyên Quang là nông, lâm nghiệp công nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái.

Đặc biệt Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, là một tỉnh điển hình về năng lực thoát nghèo để cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, xóa bỏ tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc. Thực hiện tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững, tập trung một số cây trồng, vật nuôi chủ lực tạo vùng nguyên liệu lớn với năng suất chất lượng cao (chè, mía, cam, lạc, gỗ nguyên liệu; chăn nuôi trâu, cá đặc sản...) và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính quyền điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (phấn đấu đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số PCI).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...