Tuyển giáo viên hợp đồng: Sao cho thấu tình, đạt lý

Tuyển giáo viên hợp đồng: Sao cho thấu tình, đạt lý

Trước phản ứng của đội ngũ nhà giáo, chính quyền nhiều nơi đã lắng nghe, có điều chỉnh và quyết định phù hợp, tránh tình trạng có học sinh nhưng thiếu giáo viên đứng lớp.

Lắng nghe nguyện vọng giáo viên

Tại Cà Mau, năm 2018, UBND tỉnh thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc rà soát, sắp xếp lại trường lớp, học sinh và đội ngũ giáo viên. Mục đích nhằm ổn định trường lớp, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Chủ trương được triển khai rộng rãi đến các địa phương trong tỉnh, có nêu cụ thể thứ tự ưu tiên trong việc áp dụng chính sách đối với giáo viên hợp đồng.

Thực hiện chủ trương này, UBND huyện Thới Bình chỉ đạo cắt hợp đồng với những giáo viên trong diện dôi dư. Cụ thể, số giáo viên, nhân viên ban đầu bị cắt hợp đồng tại huyện Thới Bình là 143 người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có giáo viên bị cắt hợp đồng chưa đúng quy định và cũng có trường hợp chưa đúng chủ trương của UBND tỉnh Cà Mau. Vụ việc khiến nhiều giáo viên bức xúc, khiếu nại… Cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận trong quá trình thực hiện cắt hợp đồng giáo viên trên địa bàn huyện Thới Bình có những sai sót nhất định. Sau đó địa phương khắc phục và bảo đảm đúng quyền lợi cho các giáo viên.

Vụ việc cắt hợp đồng giáo viên theo kiểu nóng vội, áp dụng một cách cơ học ở huyện Thới Bình (Cà Mau) như hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều địa phương khác. Sau đó, việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng được xem xét kỹ hơn, hợp tình hợp lý hơn. Kết quả là nhiều giáo viên hợp đồng ở Cà Mau đã "vui trở lại" khi tỉnh có chủ trương hợp tình, hợp lý.

Điển hình như Cô Đỗ Kim The, giáo viên hợp đồng Trường TH Trí Phải Tây, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) bị Hiệu trưởng Trường TH Trí Phải Tây chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian cô đang mang thai. Cơ quan chức năng vào cuộc, kết luận việc chấm dứt hợp đồng đối với cô Đỗ Kim The là sai quy định của pháp luật. Để khắc phục việc làm sai này, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình giao Hiệu trưởng Trường TH Trí Phải Tây khôi phục lại quyền lợi và chi trả chế độ, tiền lương, đối với cô The.

Không chỉ cô The, nhiều giáo viên hợp đồng tại Cà Mau đã yên tâm công tác khi tỉnh vận dụng kịp thời chủ trương của Bộ Nội vụ (Công văn 5378) tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước. Theo ông Phạm Hoàng Gan, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Cà Mau, biên chế ngành Giáo dục vẫn thiếu, đặc biệt theo định mức giáo viên/lớp và vị trí việc làm. Sở đã trình Sở Nội vụ và UBND tỉnh kiến nghị Trung ương bổ sung 1.547 biên chế cho ngành.

"Văn bản của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước là tin vui của ngành Giáo dục, đặc biệt là ngành Giáo dục Cà Mau. Đây là cơ hội để địa phương gỡ khó vấn đề biên chế giáo viên đã tồn tại bấy lâu, bảo đảm quyền lợi nhà giáo", ông Gan cho biết.

Theo ông Trần Dũng Trí Nhân, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hà Tiên (Kiên Giang): "Chủ trương tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên là tin vui với nhiều thầy cô. Qua đó góp phần giải quyết vấn đề biên chế giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng mà địa phương còn vướng mắc trong nhiều năm qua".

Trước tình trạng thiếu hàng nghìn giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng nhiều năm chưa được tuyển dụng, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang có công văn tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng công tác trong ngành từ 5 năm trở lên. Từ năm 2015 đến nay, năm nào tỉnh cũng thiếu từ 800 - 1000 giáo viên, mặc dù đã đề xuất xin chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn chưa đáp ứng. 

Tuyển giáo viên hợp đồng: Sao cho thấu tình, đạt lý ảnh 1
Cô Đỗ Kim The lúc mới sinh con. Ảnh: V. Hữu

Nhiều hình thức hút người giỏi

Từ năm học 2018 - 2019, TPHCM áp dụng việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên nhằm tuyển được người giỏi.

Cụ thể, năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT tuyển dụng 531 viên chức, trong đó tuyển 443 giáo viên cho các trường THPT, đơn vị công lập trực thuộc Sở. Số ứng viên đăng kí tuyển dụng lên đến 1.700 hồ sơ và có hơn 1.300 hồ sơ đủ điều kiện để dự tuyển vòng 2. Kết quả tuyển dụng, ứng viên không có hộ khẩu ở TP chiếm tỷ lệ khoảng 40%.

Bên cạnh việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng để hút nguồn tuyển, Sở GD&ĐT tiếp tục phân cấp tổ chức tuyển dụng viên chức với 22 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc: Trường Mầm non Thành phố, Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM… Riêng ở khối THPT, có 2 trường (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa) được phân cấp tổ chức tuyển dụng.

Nhiều chính sách khác để thu hút giáo viên cũng đã được TP áp dụng như ưu đãi về tiền lương với giáo dục mầm non. Ngoài ra, ngành GD phối hợp ngân hàng hỗ trợ giáo viên an cư… thông qua việc cho vay ưu đãi trong 20 năm để mua các dự án nhà ở. Mức vay có thể lên đến 900 triệu đồng/người, điều kiện người vay chưa từng đứng sở hữu bất kỳ nhà nào.

Mặc dù thành phố có nhiều hình thức thu hút nguồn tuyển nhưng với cấp mầm non, tiểu học nhiều quận, huyện vẫn khó tuyển đủ giáo viên, đặc biệt là ở môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Bà Phạm Thuý Hà, chuyên viên Phòng GD&ĐT Quận 4 cho biết: Năm học 2020 - 2021, phòng tuyển dụng 2 giáo viên môn Toán, có tới 25 hồ sơ đăng kí ứng tuyển. Tuy nhiên, giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh có nhu cầu lớn nhưng rất ít hồ sơ dự tuyển. Hằng năm, giáo viên hai bộ môn này luôn khó tuyển dụng đủ chỉ tiêu, vì vậy các đơn vị phải đưa ra các phương án như kí hợp đồng với các trung tâm tiếng Anh uy tín…

Tương tự tại Quận 8, năm học này, quận tuyển thêm 217 giáo viên nhưng không có GV tiếng Anh tiểu học. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cao nhưng không có ứng viên nộp hồ sơ. Tại quận Tân Phú, ở khối THCS cần tuyển 22 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 15 người. Bậc tiểu học thiếu trầm trọng hơn, cần 46 giáo viên nhưng chỉ tuyển được có 13 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.