Buổi lễ diễn ra sáng ngày 17/11, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Tham dự Lễ Tuyên dương có: Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân.
Đến dự chương trình còn có sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo đại diện các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, phóng viên các cơ quan báo chí, thông tấn Trung ương và địa phương.
Đặc biệt là sự có mặt của 337 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thuộc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, Trường Đại học, Học viện, Trường Cao đẳng Sư phạm trong ngành giáo dục.
Đồng thời, tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, nhân rộng gương sáng nhà giáo điển hình tiên tiến, có nhiều cống hiến và đóng góp trong toàn ngành, đồng thời động viên đội ngũ nhà giáo vượt khó vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Dù mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề; là sự quyết tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; là sự tận tụy, thầm lặng cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục.
Trước đó, đại diện các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng tại Trụ sở Chính phủ, dự Lễ trao giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2024 tại Nhà hát lớn Hà Nội, dự lễ dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tối nay, tại Đài truyền hình Việt Nam, các thầy cô sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ lớn của Ngành
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Nhiều năm nay, ngành Giáo dục đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ tuyên dương, trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng gửi lời chào mừng, chúc mừng 21 Nhà giáo nhân dân, 65 nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo có mặt tại đây ngày hôm nay.
Chia sẻ những kết quả và thành tựu của ngành Giáo dục, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, Bộ trưởng nhấn mạnh:
Có được những kết quả lớn và quý báu như trên, chúng ta phải kể tới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh,… Nhưng trong đó, nhất định phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo. Chúng ta đều ý thức rằng những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, và đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn.
Bộ trưởng bày tỏ ghi nhận, đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các cô các thầy cho ngành Giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự tự hào, tri ân, cảm ơn và chúc mừng đặc biệt tới các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đã được lựa chọn.
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng, toàn ngành Giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.
Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.
Các danh hiệu là sự ghi nhận, sự tôn vinh cho cái đã qua, bề dầy sự thể hiện và đóng góp của các cô, các thầy, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
“Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng. Kính mong và kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình.
Các thầy cô là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành Giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.
Hiếu Nguyễn
Luôn vững 'tay lái, chắc tay chèo' vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo
Được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Văn Yên - một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái, ngay từ khi còn nhỏ, cô Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) đã ước mơ mình được làm cô giáo.
Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè người chọn ngành Y, ngành Dược, Thương nghiệp, Ngoại thương… riêng cô Hạnh chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với nỗ lực cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của các thầy cô, mơ ước của cô đã thành sự thật.
Từ khi trở thành cô giáo, cô luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh".
Vì vậy, mỗi giờ học, cô Hạnh đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải.
Phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học.
Suốt 34 năm qua đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, đổi thay, bước đột phá của nền giáo dục nước nhà, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng cô cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo.
“Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi tin đội ngũ nhà giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình” – cô Hạnh bày tỏ.
"Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu được vinh danh hôm nay không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa. Chúng tôi xin hứa, mỗi thầy cô phải là nguồn động lực thúc đẩy cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị; là những hạt nhân toả ra nguồn năng lượng tích cực nhất, ảnh hưởng, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp, tới học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam" - cô Hạnh bộc bạch.
Minh Phong
1.188 nhà giáo đã được trao tặng danh hiệu NGND, NGƯT
Ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong không khí kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Ngày 30/5/1985, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc. Từ năm 1986 đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 650 Nhà giáo nhân dân và 9.081 Nhà giáo ưu tú. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Đối với việc xét tặng lần thứ 16 vào năm 2023, thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16.
Việc tổ chức xét tặng được triển khai thực hiện theo các cấp hội đồng từ Hội đồng cấp cơ sở (tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học và cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương) đến Hội đồng cấp huyện, Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước.
Theo đó, các nhà giáo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về tài năng sư phạm, có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, có uy tín về chuyên môn, có ảnh hưởng trong ngành và lĩnh vực được lựa chọn để trình cấp có thẩm quyền xét, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Đến Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2023 đã nhận được 1225 hồ sơ, trong đó có 24 hồ sơ đề nghị Nhà giáo nhân dân và 1.201 hồ sơ đề nghị Nhà giáo ưu tú, trong đó, có 33 nhà giáo người dân tộc thiểu số. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng cấp Nhà nước đã họp, bỏ phiếu, trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1167 nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được chúc mừng 1.188 thầy giáo, cô giáo đã nhận được danh hiệu vinh dự cao quý này.
Đến nay, đã nhiều bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo trực thuộc. Tại buổi lễ ngày hôm nay, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ năm 2017 đến năm 2023, qua 7 lần xét chọn Nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định trao tặng Bằng khen cho 1600 nhà giáo.
Đến năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2040/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2024 về Quy chế xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu" và được tổ chức 2 năm/lần, thực hiện từ năm 2024. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được 252 hồ sơ xét chọn Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Hội đồng đã xét chọn 251 Nhà giáo tiêu biểu.
Các nhà giáo được lựa chọn đều có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc trong nuôi dạy, giảng dạy, giáo dục, quản lý, tâm huyết, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp huyện, cấp tỉnh.
Đồng thời, nhà giáo còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng hoặc hỗ trợ nuôi dạy, giảng dạy người học có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong học tập, xây dựng trường, lớp, vận động được người học có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đến trường và duy trì sĩ số học sinh, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa tại địa phương hoặc trong toàn ngành.
Đến năm 2024, sau 8 lần xét chọn Nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 1.851 nhà giáo.
Lực lượng nhà giáo của chúng ta đông đảo về số lượng, và nhìn tổng thể luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất của nhà giáo, luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, hết lòng vì học sinh thân yêu. Còn nhiều nhà giáo chưa được vinh danh ngày hôm nay, nhưng các nhà giáo đã và đang âm thầm, miệt mài để truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, bồi dưỡng nhân cách, gieo mầm tương lai cho các thế hệ học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ tiếp tục ghi nhận, động viên kịp thời các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã có những thành tích xuất sắc, công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Nhân dịp Lễ trao tặng, tuyên dương các nhà giáo ngày hôm nay, một lần nữa tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Kính chúc các thầy giáo, cô giáo luôn dồi dào sức, khỏe, hạnh phúc và niềm tin tưởng tuyệt với sự trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đình Tuệ
Văn nghệ thuật chào mừng
Chương trình nghệ thuật do Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương thực hiện
1. Bài hát: Người thầy
Sáng tác: Nguyễn Nhất Huy
Chuyện soạn và phối khí: Giảng viên Lê Quốc Vương
Dàn dựng và chỉ huy: Giảng viên Phạm Hoàng Trung
2.Bài hát: Chuyện học
Sáng tác: Lê Vinh Hưng
Phối khí: Trần Ngọc Tú
Biên đạo: Giảng viên Nguyễn Quỳnh Phương
3. Em là cô giáo vùng cao
Nhạc: Phan Huy Hà
Thơ: Hoàng Nghĩa Tự
Phối khí: Beat
4.Bài hát: Bài ca người giáo viên nhân dân
Sáng tác: Hoàng Vân
Chuyện soạn và phối khí: Giảng viên Lê Quốc Vương
Dàn dựng và chỉ huy: Giảng viên Phạm Hoàng Trung
Động lực tiếp tục cống hiến cho giáo dục
Bày tỏ xúc động khi tham dự chương trình, nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường Tiểu học Liên Nghĩa (huyện Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Được tham dự chuỗi sự kiện vinh danh nhà giáo là vinh dự lớn.
Tôi rất biết ơn các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp và phụ huynh đã tin tưởng, động viên giúp tôi tự tin nhận các nhiệm vụ, trọng trách trong công việc. Cảm ơn các em học sinh đã chăm ngoan nỗ lực để đạt được các thành tích cao trong học tập.
Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến Ban tổ chức đã có chuỗi hoạt động ý nghĩa để vinh danh giáo giới. Đây sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đóng góp một phần sức mình cho đất nước.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Mai luôn tích cực trong các hoạt động của nhà trường, huyện và Sở GD&ĐT; tham gia nhiệt tình các hoạt động xã hội và thiện nguyện, tham gia và động viên giáo viên và học sinh quyên góp, ủng hộ cho HS có hoàn cảnh khó khăn, quỹ vì người nghèo.
Vân Anh
Kỷ niệm không thể nào quên!
Nhà giáo Trịnh Mai Ly, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Trong những ngày qua, giáo viên chúng tôi đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Đây sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên đối với chúng tôi.
Đây cũng là động lực để tôi và các đồng nghiệp phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người. Qua đây, tôi thêm tự hào, yêu nghề, trân trọng hơn nghề nghiệp cao quý của mình.
Cô Trịnh Mai Ly (bìa phải).
Với cương vị là Tổ trưởng chuyên môn, nhà giáo điều hành tổ luôn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhà giáo luôn tìm tòi, sáng tạo, áp dụng các hình thức và phương pháp giáo dục hiện đại để xây dựng các dự án học tập STEM; chú trọng giáo dục cho học sinh văn hóa đọc, rèn các kĩ năng sống cho học sinh.
Nhà giáo đã tham gia báo cáo tham luận về “Ứng dụng Giáo dục STEM trong dạy học môn Toán lớp 3” tại Hội thảo báo cáo khoa học do Sở GDĐT tổ chức năm 2024.
Vân Anh
Động lực để nhà giáo tiếp tục phấn đấu
Nhà giáo Lương Thị Hiền - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Giảng viên chính, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ vui mừng khi được tham gia vào các hoạt động tri ân nhà giáo được Bộ GD&ĐT tổ chức trong những ngày qua.
"Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, cố gắng hơn trong công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao", nhà giáo Lương Hiền bày tỏ.
Nhà giáo Lương Thị Hiền là chuyên gia, báo cáo viên trong các nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo: viết tài liệu tập huấn giáo viên Ngữ văn các trường phổ thông trung học dân tộc miền núi; Ban chuyên gia tư vấn Tài liệu địa phương các lớp 10, 11, 12 (Vụ Giáo dục Trung học phổ thông, 2022, 2023, 2024); đào tạo bồi dưỡng giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT trong dự án RGEP, ETEP (2021, 2022),...
Là chuyên gia, báo cáo viên trong các nhiệm vụ kết hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban người Việt ở nước ngoài: viết tài liệu và tập huấn giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, Ban giám khảo cuộc thi Viết tài liệu dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài (Vụ Giáo dục thường xuyên, 2021, 2022), viết tài liệu Cùng con học tiếng Việt dành cho phụ huynh dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài (Vụ Giáo dục thường xuyên, 2022).
Vân Anh
Kỷ niệm đẹp trong nghề
Lần đầu tiên đến Hà Nội và cũng là lần đầu tiên tham gia chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 do Bộ GD&ĐT tổ chức, cô Hoàng Thị Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tánh Linh 1 (Tánh Linh, Bình Thuận) không khỏi tự hào khi là một trong hơn 200 nhà giáo được tuyên dương khen thưởng.
“Tôi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là vinh dự, niềm tự hào, dấu ấn không thể nào quên trong sự nghiệp “trồng người” và là kỷ niệm đẹp khi lần đầu được đến với Thủ đô Hà Nội của tôi” – cô Ngọc Hà bày tỏ.
"Nơi tôi dạy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, tận tâm, tận hiến với nghề, quyết bám trường, bám lớp, mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em Tánh Linh", cô Ngọc Hà chia sẻ.
Minh Phong
Món quà vô giá!
Cô Nguyễn Ngọc Thủy - giáo viên, Tổ trưởng tổ chuyên môn Chồi, Trường Mẫu giáo Thanh An (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).
Là giáo viên giỏi cấp tỉnh, có năng lực chuyên môn tốt, khoa học, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cô Nguyễn Ngọc Thủy là một trong 251 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh năm nay.
Được vinh danh và tham gia chuỗi dự kiện tri ân nhà giáo năm nay với nhiều hoạt động ý nghĩa, cô Thủy bày tỏ niềm hạnh phúc, vinh dự và cảm thấy mình thật may mắn.
“Đây là một món quà vô giá và vô cùng ý nghĩa đối với tôi trong 16 năm làm nghề. Vinh dự này là động lực cũng như một lời nhắc nhở để bản thân tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng và phấn đấu nhiều hơn nữa trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.
Tôi mong rằng đội ngũ giáo viên mầm non được tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa để tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới; các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện để giáo viên có thể vận dụng các mô hình giáo dục tiên tiến trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ.
Tôi cũng mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp lãnh đạo đối với giáo dục mầm non về vấn đề thăng hạng, các chế độ đãi ngộ để thu hút giáo viên trẻ cũng như vấn đề tuổi hưu phù hợp với đặc thù ngành mầm non”, cô Nguyễn Ngọc Thủy chia sẻ.
Hiếu Nguyễn
Mong xã hội thêm quan tâm, đồng hành cùng ngành Giáo dục
Cô Nguyễn Thị Nhung - giảng viên chính Khoa Giáo dục mầm non, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) cùng chồng đến Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô từ 7h sáng 17/11 để tham dự chương trình "Lễ trao tặng danh hiệu NGND, NGƯT; tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024" với tinh thần vô cùng phấn khởi, tự hào.
Nữ giảng viên tâm sự, đặc thù của giáo viên mầm non vất vả hơn so với các cấp học khác do trẻ còn nhỏ, chưa tự chăm sóc được bản thân. Các cô phải chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với tình yêu thương, sự kiên trì, tận tâm, tận lực để bố mẹ yên tâm công tác. Nhiều người rất hiểu và thông cảm cho các cô, nhưng cũng có một số chưa thực sự thấu hiểu nỗi vất vả này.
"Tới dự chương trình, chúng tôi rất vui nhưng cũng mong muốn các cấp lãnh đạo và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ với giáo dục mầm non - cấp học nền tảng đầu tiên của mỗi con người. Hình ảnh các cô giáo mầm non thường xuyên đi sớm về tối vì đàn trẻ thân yêu luôn đẹp trong mắt mỗi người, tạo động lực để chị em thêm yêu nghề", cô Nhung tâm sự.
Phụ huynh thường kỳ vọng cao và tạo áp lực vô hình tới giáo viên mầm non do đó, xã hội cần chia sẻ, đồng hành; Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho giáo dục mầm non ngày càng phát triển bền vững.
Đình Tuệ
Niềm vui bất ngờ
Với cô Nguyễn Thị Hoàng Lan – giáo viên Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), được tham dự Lễ tuyên dương nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một niềm vui, vinh dự và bất ngờ.
Cô Lan nhận thấy, những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của mình còn quá nhỏ bé so với những hy sinh thầm lặng của nhiều thầy cô giáo trong ngành.
Các thầy cô luôn là những tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy và lòng yêu nghề, luôn hết lòng yêu thương với các thế hệ học trò. Nhờ những ký ức đẹp của tuổi thơ về giáo viên của mình, mà cô Lan đã yêu mến, rồi lựa chọn và gắn bó với nghề giáo trong nhiều năm qua.
“Tôi hi vọng những đóng góp hôm nay cho sự nghiệp giáo dục có thể thay cho một lời tri ân đối với những người thầy của mình”, cô Lan giãi bày và nguyện với lòng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, góp phần trải bước cho các thế hệ học trò tiếp theo, để hạnh phúc mãi còn tiếp nối.
Minh Phong
Tạo động lực cho nhà giáo tiếp tục cống hiến
Chia sẻ cảm nhận về lễ trao tặng danh hiệu lần này, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại cho biết, cá nhân cô cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi được tham dự.
"Lễ trao tặng được tổ chức rất ấn tượng. Tôi cảm nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo đối với các thầy cô. Với tôi, được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là một sự ghi nhận to lớn cho hơn 40 năm gắn bó với nghề, giúp tôi cảm thấy sự cố gắng và những đóng góp của mình là có ích, góp phần củng cố thêm cho tôi niềm tin và tự hào về nghề giáo của mình." - cô Loan nói.
Bên cạnh đó, cô cũng bày tỏ, nếu có thêm nhiều thời gian, cô vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Phong Anh
Niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao
Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh là nhà giáo được Phòng GD&ĐT lựa chọn là thành viên giáo viên duy nhất của Hội đồng Tổ chuyên môn trong 2 năm học 2018- 2019, 2019- 2020 để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên lớp 1 trong quận. Từ năm 2020 đến nay, cô là tổ trưởng tổ giáo viên cốt cán môn Toán của quận. Năm học 2019 - 2020, cô được mời vào nhóm giáo viên tham gia thẩm định, góp ý sách giáo khoa môn Tiếng Việt Chương trình GDPT 2018 của NXB giáo dục.
Dự Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, cô Nguyễn Thị Bích Duyên chia sẻ:
Được Bộ GD&ĐT vinh danh là giáo viên tiêu biểu nhân dịp 20-11, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Đây không chỉ là niềm vui cá nhân, mà còn là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ trong sự nghiệp "trồng người".
Những chương trình này không chỉ là dịp để tôn vinh sự cống hiến, mà còn khơi dậy trong tôi niềm tự hào sâu sắc về truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc. Đồng thời, giúp tôi hiểu rằng, vai trò của người thầy không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy mà còn là sứ mệnh truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị nhân văn và góp phần xây dựng tương lai đất nước.
Đây thực sự là những khoảnh khắc quý giá, giúp tôi thêm yêu nghề và càng khao khát gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục. Tôi tin rằng, những trải nghiệm này sẽ là hành trang ý nghĩa, giúp tôi không ngừng vươn lên và lan tỏa tinh thần của người giáo viên tiêu biểu đến với đồng nghiệp và học sinh.
Niềm vinh dự này không chỉ dành cho riêng tôi, mà còn là món quà ý nghĩa gửi đến gia đình, đồng nghiệp và học sinh – những người đã luôn đồng hành và tạo động lực để tôi hoàn thành tốt vai trò của mình.
Tôi cũng hiểu rằng, danh hiệu này không chỉ là sự vinh danh mà còn là một trách nhiệm lớn lao. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy, luôn học hỏi để xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của ngành giáo dục, học sinh và xã hội.
Hiếu Nguyễn
Nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp 'trồng người'
Dù đạt được khá nhiều danh hiệu, song với PGS.TS Vũ Quốc Trung – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc được công nhận 'Nhà giáo tiêu biểu' của năm 2024 là niềm vinh dự lớn.
“Một lần nữa, cảm xúc tự hào lại dâng trào, bởi đây là sự ghi nhận không chỉ của người học, đồng nghiệp, nhà trường, mà là của Bộ GD&ĐT, của ngành Giáo dục cho những đóng góp của tôi với danh xưng Nhà giáo” - PGS.TS Vũ Quốc Trung bộc bạch.
Theo PGS.TS Vũ Quốc Trung, danh hiệu này chính là niềm cảm hứng lớn lao nhất để các thế hệ giáo viên tiếp tục là người “đưa đò” sang bến bờ tri thức.
Giáo dục đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Ý thức được điều này, PGS.TS Vũ Quốc Trung sẽ nỗ lực không ngừng, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, mang đến những bài học bổ ích, hiệu quả, có giá trị cho học trò PGS.TS Vũ Quốc Trung nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.
Minh Phong
Ngày càng trân quý thêm nghề giáo
Khi nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) bày tỏ sự xúc động và tự hào. Đây không chỉ là một cột mốc quan trọng mà còn là nguồn động lực lớn lao để các tiếp tục phấn đấu trong công việc.
Là một giáo viên mầm non, tổ trưởng chuyên môn, cô Ngô Thị Hạnh, giáo viên Trường Mầm non Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định) hiểu rằng sự nghiệp giáo dục ở bậc học này luôn đòi hỏi sự tận tụy, sáng tạo và tình yêu thương.
Nhìn thấy ánh mắt hồn nhiên, nụ cười rạng rỡ của các con mỗi ngày chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô Hạnh. Danh hiệu này là sự ghi nhận cho những nỗ lực đó, không chỉ của riêng cô mà còn của tập thể giáo viên đã đồng hành suốt thời gian qua.
Sau vinh dự này, cô Hạnh mong muốn tiếp tục đổi mới chuyên môn, tập trung nghiên cứu, xây dựng các phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo môi trường học tập vui vẻ, sáng tạo cho trẻ.
Trong vai trò Tổ trưởng chuyên môn, cô muốn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, cùng nhau xây dựng một đội ngũ giáo viên mầm non vững mạnh.
Cô luôn ấp ủ các kế hoạch giúp trẻ phát triển không chỉ về trí tuệ mà còn về kỹ năng sống, giá trị đạo đức, giúp các con có nền tảng vững chắc để bước vào tương lai.
"Danh hiệu này không phải là đích đến mà là động lực để tôi tiếp tục cống hiến và hoàn thiện mình. Hy vọng rằng, với sự đồng lòng của các đồng nghiệp, chúng tôi sẽ ngày càng nâng cao vị thế của giáo dục mầm non, góp phần xây dựng thế hệ tương lai hạnh phúc và thành công", cô Hạnh nói.
Dịp 20-11 năm nay sẽ mãi là một kỷ niệm đáng nhớ!
Cô Cao Thị Trang là giáo viên Trường Mầm non Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Trở thành một trong những giáo viên tiêu biểu được vinh danh trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Đây không chỉ là sự ghi nhận đối với cá nhân tôi mà còn là niềm tự hào cho cả tập thể nhà trường, nơi cô đang gắn bó và cống hiến từng ngày.
Là một giáo viên mầm non, công việc của tôi không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ mà còn là dạy trẻ những kỹ năng sống đầu đời, nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng nhân cách. Những ngày tháng miệt mài bên trẻ, từ những bài hát ngây thơ, những đôi bàn tay nhỏ xíu nắm lấy tay tôi, cho đến những lần động viên trẻ vượt qua khó khăn, giờ đây như được đền đáp bằng sự ghi nhận trọn vẹn này.
Việc được ghi nhận, được tham gia chương trình tôn vinh trang trọng, ấm áp và đầy ý nghĩa, là động lực, tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi tự tin rằng, những nỗ lực của mình đã và đang tạo ra giá trị ý nghĩa không chỉ cho trẻ mà còn cho cả cộng đồng.
Niềm tự hào này không chỉ là của riêng tôi, mà tôi còn coi đó là sự khích lệ cho tập thể giáo viên mầm non, những người ngày đêm âm thầm cống hiến, vun đắp từng "mầm xanh" cho tương lai. Tận sâu trong trái tim mình, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ để tiếp tục phấn đấu, không ngừng đổi mới và cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.
Tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui cá nhân mà còn thấy rõ hơn sự thiêng liêng, giá trị của nghề giáo. Đây sẽ mãi là động lực để tôi tiếp tục giữ vững niềm tin vào giá trị của nghề giáo, yêu nghề, yêu trẻ và không ngừng sáng tạo trên con đường mà mình đã chọn.
Tôi mong rằng bản thân và các đồng nghiệp sẽ luôn được tiếp cận những cơ hội học tập, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao trình độ. Tôi cũng hy vọng nhà trường và xã hội sẽ tiếp tục tạo ra môi trường làm việc thân thiện, đầy đủ điều kiện để giáo viên có thể phát huy tối đa năng lực. Cuối cùng, tôi mong mỗi giáo viên trong nghề sẽ luôn giữ được "lửa" yêu nghề, sự kiên nhẫn và trái tim nhân hậu để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Dịp 20-11 năm nay sẽ mãi là một kỷ niệm đáng nhớ, là động lực để tôi không ngừng phấn đấu và khẳng định rằng sự lựa chọn nghề giáo là quyết định đúng đắn và ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.
Hiếu Nguyễn
Trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Chủ tịch nước lên trao danh hiệu Nhà giáo nhân dâncho 21 nhà giáo.
1. PGS.TS Phạm Văn Bổng, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Bộ Công Thương
2. Tiến sĩ Trần Đức Cân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương
3. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 4, Bộ Quốc phòng
4. PGS.TS Vũ Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng
5. GS.TS Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
6. GS.TS Từ Quang Hiển Giảng viên cao cấp, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo
7. GS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện nay là Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải)
8. GS.TS Phạm Huy Khang, Giảng viên cao cấp Bộ môn Đường ô tô và sân bay, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo
9. GS.TS Đinh Xuân Khoa, Giảng viên cao cấp, Khoa Vật lý, Trường Đại học Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo
10. GS.TS Trần Đăng Xuyền, Nguyên giảng viên cao cấp, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo
11. GS.TS Vũ Anh Tuấn, Nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam 1, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo
12. GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện nay là Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
13. GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Giảng viên cao cấp, Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo
14. GS.TS Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp, Khoa Kế hoạch và phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo
15. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện nay là Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại)
16. GS.TS Mai Trọng Nhuận, Nguyên Giảng viên cao cấp, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
17. NGND Huỳnh Duy Thủy, Nguyên Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Chu Văn An, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định
18. NGND Nguyễn Thị Thu Vân, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
19. NGND Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội
20. NGND Đỗ Thị Hồi, Giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
21. NGND Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái