Tuyển dụng người nước ngoài làm giảng viên cơ hữu: Khó và vướng!

GD&TĐ - Xu thế hội nhập trong đào tạo cùng với tự chủ ĐH cho phép các trường ĐH tuyển dụng, sử dụng giảng viên (GV) là người nước ngoài.

Một buổi dạy của giảng viên nước ngoài tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: NTCC.
Một buổi dạy của giảng viên nước ngoài tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: NTCC.

Tuy nhiên, với quy định hiện nay, để một người nước ngoài làm GV cơ hữu tại trường ĐH thì không dễ dàng.

Khó tuyển dụng

Hiện nay, ở các trường ĐH công lập và tư thục có nhiều GV nước ngoài tham gia giảng dạy ở lĩnh vực ngôn ngữ và các ngành học có liên kết với cơ sở GDĐH nước ngoài. Một số GV nước ngoài giảng dạy tại cơ sở GDĐH theo hình thức trao đổi văn hóa, giáo dục có sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao.

Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM (HUFLIT) có 2 GV người Hàn Quốc giảng dạy tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc và hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học (NCKH) tại khoa Đông phương. Đây là chương trình được sự hỗ trợ của tổ chức KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc), nhà trường không phải trả lương cho GV. Hay tại khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang hiện có 5 GV người Hàn Quốc và Pháp chuyên ngành về Thiết kế đồ họa theo chương trình trao đổi hợp tác với tổ chức phi chính phủ National Reseach Foundation (NRF – Hàn Quốc).

Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐH Quốc gia TPHCM có 6 giảng viên cơ hữu là người nước ngoài đến từ Mỹ, Úc, Nhật tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, lực lượng GV người nước ngoài đến trao đổi học thuật, tham gia thỉnh giảng tại IU rất đông.

Việc sử dụng lao động là người nước ngoài tại các trường ĐH phải theo quy định của Luật Lao động, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hàng loạt các văn bản dưới luật khác. Trong đó liên quan đến giấy phép lao động đối với người  nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngày 3/2/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, người lao động nước ngoài được xem là chuyên gia khi đáp ứng một trong hai điều kiện: Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài mặc dù giảng dạy hơn 10 năm nhưng rất lúng túng trong việc xác nhận thâm niên công tác.

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) có 12 giảng viên là người nước ngoài. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, nhà trường chỉ ký hợp đồng từng năm. Đồng thời, các khoa đều mời giảng viên nước ngoài qua dạy vài tháng.

“Tuyển dụng, sử dụng giảng viên nước ngoài, theo quy định hiện tại bị vướng về giấy phép lao động, visa… Người nước ngoài chỉ được cấp visa tối đa 3 tháng nên khó ký hợp đồng dài hạn. Do đó, nhà trường rất khó để tuyển họ làm giảng viên cơ hữu. Thậm chí, trường trả 50 - 60 triệu đồng/tháng mà không được tính chỉ tiêu. Điều này cho thấy, các quy định hiện hành vô tình hạn chế các nguồn lực chất xám ngoại quốc về phục vụ cho đất nước” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Ông Jason Bednars – Giám đốc Học thuật Viện Ngôn ngữ – Quốc tế học trực thuộc Trường ĐH Kinh tế TPHCM (Quốc tịch Mỹ) trong một buổi thuyết giảng. Ảnh: NTCC.
Ông Jason Bednars – Giám đốc Học thuật Viện Ngôn ngữ – Quốc tế học trực thuộc Trường ĐH Kinh tế TPHCM (Quốc tịch Mỹ) trong một buổi thuyết giảng. Ảnh: NTCC. 

Cần mở rộng quyền cấp phép sử dụng lao động nước ngoài

Nhiều cơ sở GDĐH cho rằng, với quy định hiện nay để một người nước ngoài trở thành giảng viên cơ hữu của trường rất khó. NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) trao đổi: Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng chỉ cấp phép cho 2 năm nhưng quy định của trường muốn làm GV cơ hữu phải làm việc từ 3 năm trở lên. Hay GV mới tuyển vào chỉ làm trợ giảng nhưng quy định bắt buộc vào làm là phải ký hợp đồng lao động, phải vào biên chế, phải đóng bảo hiểm… Điều này gây nhiều khó khăn cho nhà trường.

Chia sẻ tại tọa đàm về tự chủ ĐH, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH FPT nêu quan điểm: Cần mở rộng quyền tự chủ của cơ sở GDĐH trong việc sử dụng lao động là người nước ngoài. Hiện, nghị quyết của Chính phủ về cơ chế tự chủ mở rộng cho phép 3 trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TPHCM được phép cấp phép lao động cho GV là người nước ngoài. Những trường còn lại phải xin Sở LĐ,TB&XH rất phức tạp.

Trường ĐH Kinh Tế TPHCM (UEH) chính thức tuyển dụng GV cơ hữu là người nước ngoài từ năm 2017. Hiện, trường có khoảng 10 GV, chuyên gia cơ hữu là người nước ngoài. Theo TS Trần Mai Đông – Trưởng phòng Quản trị nguồn nhân lực, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH), hiệu quả khi sử dụng đội ngũ GV, chuyên gia nước ngoài công tác tại trường giúp tạo động lực về phát triển NCKH, đồng thời là một kênh chia sẻ hiệu quả về NCKH, nâng cao nghiệp vụ, hội thảo khoa học, kích thích việc sử dụng tiếng Anh tại các đơn vị, tạo kết nối cho giảng viên các khoa trong trường.

“Trường được Chính phủ chọn vào nhóm 3 trường ĐH (ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội) thí điểm mở rộng quyền tự chủ nên một số thủ tục được giảm nhẹ. Theo đó, các trường diện này sẽ được mở rộng quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công, giấy phép cho lao động nước ngoài, kéo dài tuổi hưu của chủ tịch Hội đồng trường nên cũng giảm nhiều vướng mắc về quy định…” - đại diện UEH cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.