Tuyển dụng giáo viên ở Quảng Nam cần cơ chế đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm gần đây, UBND tỉnh Quảng Nam liên tục tổ chức tuyển dụng giáo viên.

Học sinh lớp ghép 1 - 2 và lớp nhô ở điểm trường Ông Thái, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) Ảnh: Bình Nam
Học sinh lớp ghép 1 - 2 và lớp nhô ở điểm trường Ông Thái, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) Ảnh: Bình Nam

Thậm chí, một số huyện, thị có kỳ thi riêng để tuyển viên chức ngành Giáo dục. Thế nhưng, càng tuyển, các địa phương miền núi càng thiếu hụt.

“Nước chảy chỗ trũng”

Sau khi công bố kết quả kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, 2 giáo viên biên chế của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) xin nghỉ việc. Trong số này, một giáo viên thâm niên dạy học 7 năm tại trường, giáo viên còn lại vừa trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức giáo dục do huyện Nam Trà My tổ chức tròn 1 năm.

Thầy Trương Công Một - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn cho biết: “Với cô giáo có thâm niên dạy học 7 năm, trước đây, khi tuyển dụng cô chỉ có bằng cao đẳng sư phạm. Sau đó cô đi học liên thông lên đại học nhưng chưa kịp làm hồ sơ để chuyển đổi mức lương. Khi trúng tuyển vào vị trí giáo viên tiểu học tại huyện Thăng Bình, cô được xếp bậc lương với trình độ đại học, hưởng mức lương cao hơn so với trường đang dạy. Thủ tục cũng nhanh gọn hơn việc làm hồ sơ chuyển đổi”.

Trường hợp “mất” giáo viên còn lại của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, theo thầy Một, năm 2022, khi huyện Tây Giang ít chỉ tiêu tuyển dụng ở vị trí giáo viên tiểu học thì giáo viên này nộp đơn thi ở Nam Trà My. Khi chỉ tiêu tuyển dụng của Tây Giang “dồi dào” thì quay về dự tuyển. “Rõ ràng với lợi thế đã có kinh nghiệm dạy – học thực tế, cơ hội thi đỗ của những giáo viên này rất cao. Việc đăng ký thi tuyển mới thậm chí còn dễ dàng hơn xin thuyên chuyển về đồng bằng”, thầy Một nhận định.

Năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học - THCS Trà Nam cũng có 2 giáo viên biên chế nghỉ việc sau khi trúng tuyển viên chức ở các huyện đồng bằng. Trong số này, một cô giáo có thâm niên dạy học gần 10 năm. Vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi đang công tác ở ngành Giáo dục sẽ được tính vào tăng lương nên gần như giáo viên được đảm bảo quyền lợi khi đỗ viên chức ở địa phương khác, chứ không phải “bắt tay làm lại từ đầu”.

Năm học 2023 – 2024 này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học – THCS Trà Nam tiếp tục có 1 giáo viên Tiếng Anh trong biên chế xin nghỉ dạy. Cô giáo này đã trúng tuyển kỳ thi viên chức giáo dục do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức và được phân công công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My.

Thường tháng 12 của năm học, các địa phương sẽ có kết quả trúng tuyển viên chức. Thầy Trương Công Một cho biết, tìm giáo viên để hợp đồng khi năm học chỉ còn 4 tháng vô cùng khó khăn đối với các địa bàn miền núi. Như năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn buộc phải phân công giáo viên dạy các môn Mỹ thuật, Âm nhạc… đứng lớp dạy văn hóa. Giáo viên vừa dạy vừa bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp, rất vất vả và khó đảm bảo hiệu quả.

Đường đến điểm trường lẻ của thầy Hồ Văn Ngọc - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn. Ảnh: TG

Đường đến điểm trường lẻ của thầy Hồ Văn Ngọc - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn. Ảnh: TG

Cần hàng rào kỹ thuật trong hồ sơ dự tuyển

2022 - năm đầu tiên huyện Nam Trà My tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục riêng sau khi xin chủ trương của UBND tỉnh. Huyện có 262 chỉ tiêu tuyển dụng nhưng chỉ có 97 thí sinh trúng tuyển. Trong số này, có một số không nhận công tác vì trúng tuyển nơi khác hoặc điều kiện đi lại khó khăn. Thiếu hụt còn do số giáo viên biên chế và hợp đồng nghỉ việc vì đã trúng tuyển ở địa phương khác. Như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn thiếu đến 7 giáo viên hợp đồng vì đã trúng tuyển vào vị trí giáo viên ở các huyện đồng bằng.

Địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất của Quảng Nam là huyện vùng cao Nam Trà My với 257 người; Bắc Trà My và Phước Sơn cùng thiếu 126 giáo viên; Đông Giang thiếu 92.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học – THCS Trà Nam cho biết: “Một số trường hợp dù tốt nghiệp sư phạm nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nên đăng ký thi tuyển ở vị trí nhân viên thiết bị. Nhưng mức lương theo vị trí việc làm thì thấp hơn lương giáo viên. Vì vậy, họ đi học thêm bằng 2 sư phạm tiểu học vì cơ hội việc làm trong nhiều năm tới vẫn rộng mở”.

Từ thực tế này, thầy Chín cho biết, dù các trường có tuyển đủ theo vị trí chức danh nghề nghiệp nhưng luôn ở trong trạng thái bị động. “Chúng tôi không thể biết năm nay có giáo viên nào “nghỉ ngang” để chủ động tìm nguồn giáo viên hợp đồng từ đầu năm học”, thầy Chín bày tỏ.

Đã có nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết câu chuyện thiếu đội ngũ giáo viên miền núi. Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những người công tác ở miền núi gắn bó lâu dài.

Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD&ĐT Phước Sơn (Quảng Nam) đề nghị tỉnh nên có cơ chế đặc biệt, chẳng hạn sau thời gian công tác tốt có thể xét tuyển vào biên chế chứ chính sách hỗ trợ vài triệu đồng cũng không đủ sức giữ chân đội ngũ. Một trong những giải pháp được nhiều đại biểu nêu lên tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây là xây dựng đội ngũ giáo viên người địa phương...

Thầy Võ Đăng Chín cho rằng, cần có hàng rào kỹ thuật trong hồ sơ tuyển dụng giáo viên để tránh trường hợp viên chức tham gia thi tuyển mới. Hiện, huyện Nam Trà My có văn bản không cho giáo viên chuyển công tác trong năm học. Nhưng một khi giáo viên đã trúng tuyển biên chế ở nơi khác không cần đến các thủ tục thuyên chuyển mà chỉ báo nghỉ và rút hồ sơ bảo hiểm.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ