Tuyển dụng giáo viên nên theo cách như của quân đội

GD&TĐ - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khi thảo luận về nội dung nhà giáo tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội – chiều nay (21/2).

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, ngành GD Nghiên cứu về quy hoạch tuyển giáo viên và sử dụng giáo viên. Nếu giáo viên là ngành đặc thù, đặc biệt quan trọng thì nên có ưu tiên, có thể ưu tiên ngang với lực lượng vũ trang.

Vấn đề tuyển dụng giáo viên nên tuyển theo cách như của quân đội là tốt nhất, cần bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu. Sinh viên sư phạm ra trường là xếp việc, không phải thi công chức, viên chức. Và chúng ta phải đào tạo theo chỉ tiêu, có chỉ tiêu rõ ràng và thi tuyển nghiêm túc vào trường sư phạm. Sau khi ra trường sinh viên sẽ phân công công việc ngay.

Sau khi ra trường, phân công về địa phương nào nhất thiết họ phải thực hiện. Nếu không thực hiện thì nhất định sẽ không chấp nhận. Và khi đã không hoàn thành nhiệm vụ ở ngành GD thì các ngành khác cũng sẽ không nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phải quản lý như vậy, học sinh mới yên tâm vào ngành sư phạm. Nhất thiết phải có kỷ luật, kỷ cương và làm đúng. Có như vậy chất lượng giáo viên mới được nâng cao.

Cho ý kiến về nội dung phân công công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tất cả HS đã học sư phạm sẽ đương nhiên bố trí công việc. Nhưng để vào học sư phạm thì phải thi đầu vào với điểm rất cao.

Khi sinh viên đã vào được trường Sư phạm yên tâm sẽ được bố tri công việc. Theo đó, sẽ phân bổ theo hướng: nơi nào cần sẽ bố trí, điều động đến đó để dạy học. Nếu có chính sách chặt chẽ ngay từ khi đầu vào thì sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm và những người được vào sư phạm sẽ cảm thấy đó là một niềm vinh dự.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến: nếu đã là phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp thì phải có ràng buộc rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ