Đó là ý kiến của TS Trần Đức Quỳnh - Trưởng phòng đào tạo Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi thảo luận tại Tọa đàm “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức – chiều 25/11 tại Hà Nội.
Chương trình đào tạo liên kết quốc tế có gì độc đáo?
Đặt vấn đề, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế có điểm gì độc đáo hơn các chương trình đào tạo truyền thống? TS Trần Đức Quỳnh chia sẻ, khi thí sinh, học sinh và phụ huynh lựa chọn một chương trình thì họ luôn tìm điểm độc đáo. Chương trình không có lợi thế cạnh tranh thì chắc họ sẽ không chọn.
TS Trần Đức Quỳnh trao đổi tại Tọa đàm. |
Theo TS Trần Đức Quỳnh, với các chương trình liên kết quốc tế, điểm khác biệt này hơi mờ hơn một chút. Đặc trưng của trường quốc tế là, các chương trình tại trường. Kể cả Đại học quốc gia Hà Nội cấp bằng thì cũng được đào tạo bằng tiếng Anh và cơ bản là được tham khảo một chương trình. Theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội là phải tham khảo chương trình mà ngành, trường đó phải nằm trong tốp 300, nếu không thì ít nhất phải trong tốp 500.
So với các chương trình truyền thống, hoặc so với các chương trình chung của các trường khác, khung chương trình đào tạo của một trường đại học ở nước ngoài và đã được kiểm định thì thường rất uy tín. Đấy là về mặt khung chương trình.
Về nội dung chương trình, chúng ta tiếp thu từ chương trình của đối tác nước ngoài. Về mặt đội ngũ, nếu chương trình truyền thống sẽ có những trường hoàn toàn là giảng viên Việt Nam giảng dạy. Đối với chương trình liên kết quốc tế sẽ có giảng viên nước ngoài và tỉ lệ giảng viên nước ngoài này sẽ cao hơn so với các chương trình khác.
“Ngay như trong trường quốc tế, các chương trình do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng, chúng tôi cũng đang phấn đấu khoảng 10%- 20% là giảng viên nước ngoài giảng dạy. Hiện nay, tỷ lệ này đang tăng lên. Dĩ nhiên, đối với các chương trình liên kết quốc tế thì do quy định bắt buộc của chương trình và trong tổ chức triển khai chương trình với đối tác nên tỷ lệ giảng viên nước ngoài tham gia vào sẽ cao hơn” - TS Trần Đức Quỳnh trao đổi.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa thảo luận tại Tọa đàm. |
Thắt chặt đầu ra
"Việc trao đổi giữa các chương trình do Việt Nam cấp bằng và quốc tế cấp bằng sẽ gần hơn, các chương trình đào tạo của Việt Nam cũng được quốc tế công nhận. Quan trọng hơn, các trường đại học của Việt Nam sẽ thu hút được sinh viên nước ngoài đến học tập, tính quốc tế hóa trong môi trường học tập sẽ được nâng lên” - GS.TS Trần Thị Vân Hoa nhìn nhận.
Cũng theo TS Trần Đức Quỳnh, khi sinh viên được học giảng viên của các trường đối tác uy tín thì chất lượng được bảo đảm. Quan trọng hơn, người học được tiếp xúc với nhiều môi trường, thầy cô và các điều kiện, kể cả về văn hóa giảng dạy, phong cách làm việc khác nhau. Từ đó hình thành cho người học những phẩm chất và kỹ năng tốt hơn. Đây mới là điểm cần chú ý và là lợi thế của việc tiếp xúc với các thầy cô là giảng viên của các trường đối tác nước ngoài.
Cho rằng, không chỉ môi trường chuẩn quốc tế mới có chương trình đào tạo chuẩn quốc tế; GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – cho hay: nhà trường đang xây dựng môi trường chuẩn quốc tế cho tất cả các sinh viên của nhà trường, chứ không chỉ riêng sinh viên của các chương trình đào tạo quốc tế. Khi các chương trình đào tạo quốc tế được lan toả, sẽ tiếp thu được các công nghệ và hiểu được các đơn vị giáo dục quốc tế họ đưa ra các tiêu chí, chuẩn mực như thế nào. Từ đó, giữ sức hút cho các chương trình học tập.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ tại tọa đàm. |
GS.TS Trần Thị Vân Hoa chia sẻ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phát triển môi trường, chương trình học tập bằng tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế và đưa ra các quy định đối với các chương trình chính quy, đạt chuẩn như chương trình quốc tế.
Nguyên tắc quan trọng của trường trong lựa chọn đối tác là, lựa chọn các chương trình có độ “hot” cao trong tương lai chứ không phải hiện tại. Cách đây 2 năm, nhà trường đã có chương trình liên kết quốc tế với Đại học Waikato, New Zealand về kinh doanh số. Nhà trường cũng có một chương trình đào tạo về kinh doanh số.
Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, các chương trình học tập do Việt Nam cấp bằng thu hút được các chuyên gia quốc tế đến giảng dạy, làm tăng tính quốc tế hóa. Mặt khác, làm thay đổi các thói quen học tập truyền thống bằng các thói quen học tập mới. Yếu tố đào tạo của môi trường hiện đại cũng được nâng lên.
“Đó là lý do Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã được thừa nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt khi tham gia bảng xếp hạng của The Time về tác động lan tỏa của các chương trình giáo dục đại học thì trường có thứ hạng rất cao và rất uy tín” - GS.TS Trần Thị Vân Hoa thông tin.
Quang cảnh tọa đàm. |
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ (GD&ĐT) – nhấn mạnh, theo xu hướng trên thế giới, các trường đào tạo có tiếng thường chú trọng thắt chặt đầu ra. Hướng đi này nhằm bảo đảm cơ hội học tập cho người học.
Còn ở Việt Nam, theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (ít nhất IELTS 5.5).
Năng lực ngoại ngữ như vậy mới có thể học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh không qua phiên dịch. Với các điều kiện đầu vào, sinh viên Việt Nam khi cầm được các tấm bằng do các nhà trường liên kết đào tạo cấp là xứng đáng với năng lực của các em.