Tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng: Cần sự vào cuộc quyết liệt

GD&TĐ - Ngày 5/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký Công văn số 5378/BNV-CCVC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước (Công văn 5378).

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên cả nước có quyền hi vọng vào Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa
Hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên cả nước có quyền hi vọng vào Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa

Tình huống đặc biệt

Theo đó, Bộ Nội vụ khẳng định việc cho phép các địa phương tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước là tình huống đặc biệt, nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế trong thời gian qua của các địa phương.

Quy trình để có được sự đặc cách này cũng vô cùng gian nan, bởi vì thẩm quyền không phải do Bộ Nội vụ quyết định mà là Bộ Chính trị (Công văn số 9028/CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng) và Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6/2019 của Văn phòng Chính phủ).

Tại Công văn số 5378, Bộ Nội vụ đã khẳng định rõ đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Về thời điểm tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương thực hiện tuyển dụng đặc cách trước, nếu còn chỉ tiêu biên chế giáo viên thì thực hiện việc thi tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, nếu theo đúng văn bản của Bộ Nội vụ nêu trên, hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên khắp cả nước có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp cuối cũng cũng đã đến với họ ngay trước Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019.

Nhưng liệu có hay không việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng như Bộ Nội vụ chỉ đạo?

Tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng vào biên chế là chính sách nhân văn nhưng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý địa phương. Ảnh: NT
Tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng vào biên chế là chính sách nhân văn nhưng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý địa phương. Ảnh: NT 

Cần sự chỉ đạo quyết liệt

Thành phố Hà Nội, khi chưa giải quyết được bất cứ một trường hợp xét đặc cách cho giáo viên nào trong số 256 giáo viên hợp đồng của riêng huyện Sóc Sơn, thì cho đến thời điểm hiện nay, đã tổ chức xong vòng 1, chuẩn bị tiếp tục thực hiện tuyển dụng vòng 2 (từ ngày 17/11/2019) đối kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2019.

Lí do được đưa ra vì sao toàn bộ 256 giáo viên của huyện Sóc Sơn không một ai đủ điều kiện để được tuyển dụng đặc cách của cơ quan có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng viên chức là do tất cả giáo viên hợp đồng đều không đủ điều kiện để được xét đặc cách theo quy định tại Nghị định số 16/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 161).

Theo đó, Nghị định 161 quy định trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức là “người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”. Nếu theo đúng quy định của Nghị định số 161, tất cả giáo viên hợp đồng tại các địa phương mà báo chí phản ánh vừa qua đều không đủ điều kiện, vì họ đều giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên 100%.

Bên cạnh đó, Nghị định số 161 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2019, trong đó quy định không được kí hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Từ đó cho đến nay, nhiều địa phương đã có quyết định yêu cầu chấm dứt tất cả các hợp đồng giáo viên, bất kể đã ký hợp đồng bao lâu.

Văn bản số 9028 của Bộ Chính trị hẳn cũng là văn bản mật nên về cơ bản các địa phương và giáo viên hợp đồng không được biết đến. Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành từ tháng 6/2019 nhưng cho đến nay đã gần nửa năm, có lẽ vì sức ép quá lớn của các đại biểu Quốc hội và nhân dân về vấn đề hợp đồng giáo viên nên Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã phê chuẩn Công văn số 5378 ngay bên thềm phiên chất vấn nhằm nỗ lực tháo gỡ cho các địa phương về việc này.

Tuy nhiên, nếu thực sự không quyết liệt đến tận cùng, thì rồi những chỉ đạo của Bộ Nội vụ cũng sẽ lại tiếp tục chìm vào vướng mắc của pháp lý cao hơn. Mặc dù, đối tượng và thời điểm tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng trong công văn số 5378 của Bộ Nội vụ đã rõ, nhưng quy trình tuyển dụng thế nào? Bởi nếu lại quay lại áp dụng các quy định và quy trình xét đặc cách trong Nghị định 161 thì kết quả chắc chắn lại tiếp tục bằng 0.

Với những địa phương đã và đang tổ chức tuyển dụng viên chức mà chưa hề giải quyết những trường hợp hợp đồng giáo viên như thành phố Hà Nội thì làm thế nào? Cả những địa phương đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước khi Bộ Nội vụ ra Văn bản số 5378 sẽ giải quyết ra sao? Những câu hỏi ấy, rất cần một lần nữa có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của không chỉ riêng Bộ Nội vụ, mà là của cả hệ thống chính trị, giáo viên hợp đồng mới có hy vọng nhìn thấy một ngày mai tươi sáng hơn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.