Tuyên bố tương lai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nội dung chính trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Nga nói về các kế hoạch dài hạn trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây nước này.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong bối cảnh xung đột với Ukraine và thế đối đầu cả về quân sự lẫn kinh tế với cả phương Tây, nước Nga bước vào nhiệm kỳ mới của Tổng thống Vladimir Putin với lời khẳng định sẽ “ngày càng lớn mạnh hơn”.

Tổng thống Putin ngày 7/5 làm lễ tuyên thệ lần thứ 5 và sẽ lãnh đạo nước Nga cho đến năm 2030, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất trên thế giới hiện nay. Bối cảnh chính trị và quân sự phức tạp nên sự kiện này được cả thế giới quan tâm vì sẽ xuất hiện những tuyên bố có thể định hình nước Nga trong những năm sắp tới.

Nội dung chính trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Nga nói về các kế hoạch dài hạn trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây nước này. Ông cũng nhắn gửi các nước phương Tây rằng nước Nga không bao giờ từ chối đối thoại và lựa chọn có đối thoại hay không giờ nằm trong tay các nước phương Tây.

Ông Putin cũng nêu rõ nguyên tắc đối thoại là phải diễn ra trên phương diện bình đẳng chứ không phải từ vị thế so sánh sức mạnh về kinh tế hay quân sự. Nước Nga cũng không loại trừ bất cứ nội dung đối thoại nào, kể cả những vấn đề gai góc nhất là an ninh và ổn định chiến lược.

Nước Nga trong nhiệm kỳ mới của ông Putin cũng sẽ tăng cường hợp tác với các trung tâm quyền lực khác của thế giới để hội nhập Á – Âu và nhằm hình thành một trật tự thế giới đa cực, một hệ thống an ninh bình đẳng giữa các nước và không thể chia cắt.

Đây chính là những nội dung được thế giới quan tâm nhất dù lễ nhậm chức Tổng thống Nga lần này vẫn diễn ra theo khuôn mẫu thông thường. Tổng thống Nga tiếp tục sử dụng chiến xe limousine nội địa Aurus Senat cho lễ nhậm chức và đây là phiên bản được nâng cấp với diện mạo mới được đánh giá là sang trọng và hiện đại hơn so với trước.

Có khoảng 2.600 khách mời danh dự được mời tới dự lễ tuyên thệ, trong đó có nhiều quan khách nước ngoài. Nga đã gửi lời mời tới trưởng phái đoàn đại diện của tất cả các cơ quan ngoại giao được công nhận tại Moscow, bao gồm cả những quốc gia được Nga đánh giá là “không thân thiện” thuộc phương Tây hoặc thân phương Tây.

Tuy nhiên, bối cảnh ngoại giao căng thẳng hiện nay đã được thể hiện rõ khi các nước đồng minh thân cận nhất của Ukraine là Mỹ, Anh, Canada và khoảng 20 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố tẩy chay lễ nhậm chức của ông Putin. Chỉ có 7 quốc gia thuộc EU gồm Pháp, Hungary và Slovakia cử đại diện đến tham dự sự kiện này.

Trong suốt những năm tháng lãnh đạo nước Nga kể từ năm 2000 đến nay, mối quan hệ giữa Tổng thống Putin với phương Tây đã chứng kiến nhiều thăng trầm. Trong thập niên đầu tiên lãnh đạo Nga, ông có quan hệ thân tình với các nhà lãnh đạo phương Tây. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, mối quan hệ giữa Tổng thống Putin với các lãnh đạo phương Tây bắt đầu xấu đi.

Năm 2014 cũng đánh dấu Nga bị loại khỏi Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8). Đỉnh điểm căng thẳng giữa ông Putin và nước Nga với phương Tây là sự kiện Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022.

Kể từ đây Nga và phương Tây đã rơi vào thế đối đầu cả về kinh tế lẫn quân sự. Với những tuyên bố trong lễ nhậm chức của ông Putin, nước Nga trong những năm tới sẵn sàng đối thoại với phương Tây nhưng nền tảng để đối thoại này diễn ra hiện vẫn chưa xuất hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ