Tuyên án các bị cáo trong vụ 'chạy án' cho cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức

GD&TĐ - Ngày 17/9, TAND TP. Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 6 bị cáo liên quan đến vụ lừa chạy án cho cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 17/9/2022
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 17/9/2022

Trong số 6 bị cáo phải ra hầu tòa tại vụ án này, bị cáo Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an) bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.

5 bị cáo còn lại gồm: Lê Thanh An (cựu cán bộ phòng 5, C03, Bộ Công an); Trần Văn Long (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du Lịch Việt); Nguyễn Ngọc Triệu (cựu Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Trụ trì Chùa Nôm); Bùi Thị Hồng Giang (luật sư) và Hà Duy Tuấn (Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty cổ phần đầu tư Long Thịnh) bị truy tố về cùng tội Môi giới hối lộ theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.

Sau thời gian xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Bùi Trung Kiên mức án 9 năm tù. Bị cáo Lê Thanh An bị tuyên 6 năm tù; Trần Văn Long nhận 3 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu bị tuyên 5 năm tù; Bùi Thị Hồng Giang và Hà Duy Tuấn cùng bị tuyên 9 năm tù.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng quyết định tuyên buộc tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền hơn 59 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát nhận định, hành vi của các bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan tố tụng, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành Công an nhân dân, gây dư luận xấu trong xã hội.

Việc đưa các bị cáo trong vụ án này ra xét xử là thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khẳng định pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm khắc.

Phiên tòa cũng nhằm cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung; nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật; đấu tranh và loại trừ hiện tượng tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong phần xét hỏi, cả 6 bị cáo đều đã thừa nhận hành vi vi phạm, bày tỏ sự ăn năn, hối cải và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật. Các bị cáo cũng đã có ý thức khắc phục hậu quả, nộp lại hết số tiền vi phạm.

Về phía bị cáo Tuấn chưa khắc phục hoàn toàn, chưa nộp lại số tiền môi giới hối lộ còn lại là hơn 13 tỷ đồng, do vậy, đại diện Viện Kiểm sát xác định cần có mức hình phạt cao hơn dành cho bị cáo.

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Hà Duy Tuấn tiếp tục khai đã đưa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu 970.000 USD để nhờ bị cáo Triệu giúp đỡ. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu phản bác những lời khai của bị cáo Tuấn và cho rằng bị cáo Tuấn khai sai hoàn toàn về việc đã đưa 970.000 USD cho mình.

Căn cứ các chứng từ thu thập được, đại diện Viện Kiểm sát xác định có đủ cơ sở chứng minh Tuấn chỉ đưa cho bị cáo Triệu 400.000 USD.

Về phía bị cáo Bùi Thị Hồng Giang và Trần Văn Long khi được hỏi cũng thừa nhận cáo trạng. Trong đó, bà Giang khai sau khi nhận tiền từ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, bị cáo đã đưa 1,5 triệu USD cho Lê Thanh An. Trong quá trình điều tra và truy tố, các bị cáo đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng bất chính này.

Trong khi đó, bị cáo Bùi Trung Kiên khai bản thân là bạn bè với ông Quân nên khi biết chuyện, Kiên đã có 5 lần nhận tổng số tiền 2,2 triệu USD từ ông này. Khi ông Quân đòi lại tiền, bị cáo Kiên trả được 1,15 triệu USD. Hiện bị cáo cùng gia đình đã nộp khắc phục toàn bộ hơn một triệu USD còn lại và thừa ra 200 triệu đồng.

Còn bị cáo Lê Thanh An khai bản thân đã nhận 1,5 triệu USD từ bị cáo Bùi Thị Hồng Giang. Sau đó, bị cáo đưa cho bị cáo Hà Duy Tuấn 1 triệu USD để lo giúp việc cho ông Quân.

Theo nội dung cáo trạng, đầu năm 2021, khi C03 xác minh các hoạt động liên quan đấu thầu ở Bệnh viện TP. Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân (khi đó là giám đốc bệnh viện) lo sợ bị phát hiện ra các sai phạm nên đã liên hệ nhờ Bùi Trung Kiên “chạy án” giúp.

Kiên đồng ý giúp đỡ ông Quân và Nguyễn Văn Lợi (đang bị xác minh cùng vụ án với ông Quân) để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “giá” 2,2 triệu USD và Kiên đã nhận đủ số tiền này.

Tháng 5/2021, thấy C03 vẫn kiểm tra quyết liệt, Kiên bị ông Quân đòi lại tiền. Kiên đã trả 1,15 triệu USD, còn chiếm đoạt 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng).

Tại cơ quan điều tra, Kiên khai không được phân công nhiệm vụ xác minh sự việc liên quan Bệnh viện TP. Thủ Đức. Bị cáo biết rõ bản thân không có khả năng và cũng không có ý định nhờ ai xin giúp nhưng vì muốn chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân nên vẫn nhận lời. Số tiền nhận được từ ông Quân, Kiên đã dùng để chi tiêu cá nhân hết.

Không nhờ được Kiên, ông Quân tiếp tục nhờ một người bạn kết nối đến gặp Trần Văn Long, sau đó lại được giới thiệu đến nhờ luật sư Bùi Thị Hồng Giang tư vấn pháp lý.

Ông Quân và Giang sau đó ký hợp đồng “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” với chi phí 1,2 tỷ đồng. Ký xong hợp đồng, ông Quân lại nhờ Giang tìm cách “chạy án” giúp và được Giang nhận lời. Cuối tháng 5/2021, ông Quân hai lần đưa cho Giang 120.000 USD.

Giang sau đó đã nhờ Lê Thanh An, cán bộ phòng 6 của C03 tác động giúp ông Quân. Đầu tháng 7/2021, bị cáo An gọi thông báo đã tìm được người giúp ông Quân để thoát trách nhiệm hình sự nhưng không nói rõ chi phí. Vài ngày sau, An, Giang và Long nhận 1,5 triệu USD của ông Quân và chuyển hết cho An.

Với số tiền này, An nhờ Hà Duy Tuấn đi “lo lót”. Tuấn cầm 970.000 USD đến nhờ Nguyễn Ngọc Triệu giúp đỡ. Triệu nhận lời và lại đi nhờ một người khác giúp đỡ ông Quân nhưng không được.

Bị cáo Triệu khai với cơ quan điều tra rằng bản thân chỉ nhận 400.000 USD của bị cáo Tuấn. Căn cứ các chứng từ thu thập được, cơ quan tố tụng xác định có đủ cơ sở chứng minh Tuấn chỉ đưa cho bị cáo Triệu 400.000 USD.

Quá trình điều tra, gia đình bị cáo Triệu đã tự nguyện giao nộp 5 tỷ đồng, bị cáo Tuấn nộp 800 triệu đồng, Kiên nộp 23,7 tỷ đồng (tiền chiếm đoạt) để khắc phục hậu quả.

Cáo trạng kết luận, từ tháng 3/2021 đến tháng 7/2021, ông Quân đã nhiều lần đưa cho Kiên, Giang và Long tổng số tiền 2,67 triệu USD (tương đương gần 60 tỷ đồng) để chạy án.

Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi đưa tiền để nhờ chạy án của ông Nguyễn Minh Quân có đủ dấu hiệu cấu thành tội Đưa hối lộ. Tuy nhiên, do ông Quân đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự.

Tháng 11/2021, ông Quân đã bị khởi tố, bắt tạm giam về những vi phạm đấu thầu xảy ra ở Bệnh viện TP. Thủ Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ