“Tường thành” ngăn khói thuốc

GD&TĐ - Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm do khói thuốc thụ động. Ngành Giáo dục và các nhà trường đã làm gì để ngăn ngừa tác hại của thuốc lá với học sinh, sinh viên?

Nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá.
Nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá.

Tăng nhận thức và khả năng tự phòng vệ cho học sinh

Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin: Ngành Giáo dục đã đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, các trường tổ chức dạy tích hợp giáo dục các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh qua các tiết học. Trong đó, khối tiểu học lồng ghép trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, môn học Đạo đức, Tự nhiên xã hội; khối THCS lồng ghép vào tiết dạy Giáo dục công dân, Sinh học, Hóa học…

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý, nắm bắt thông tin, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những học sinh sử dụng thuốc lá điện tử để phòng ngừa, giáo dục.

Sở GD&ĐT Khánh Hòa bên cạnh nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, trường học về thực hiện môi trường không khói thuốc còn đưa tiêu chí không hút thuốc lá vào tiêu chuẩn thi đua. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hàng chục buổi truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học…

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhận định: Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá không nhắc tới sản phẩm thuốc lá điện tử khiến ngành Giáo dục gặp khó khăn khi phối hợp cơ quan liên quan tổ chức hoạt động phòng chống thuốc lá thế hệ mới xâm nhập vào trường học. Do vậy, cần có chế tài xử phạt với các hình thức quảng cáo thuốc lá thế hệ mới, xử lý nghiêm cơ sở buôn bán thuốc lá gần khu vực trường học, cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành sớm ban hành quy định về thuốc lá thế hệ mới để ngành Giáo dục có cơ sở pháp lý tham mưu chính quyền các giải pháp phòng chống quảng bá, buôn bán sản phẩm thuốc lá thế hệ mới với học sinh, sinh viên. Ngành Y tế cần có tài liệu chính thống để tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với sức khỏe và tương lai thế hệ trẻ.

Giáo viên gần gũi, hướng học sinh vào những hoạt động lành mạnh, bổ ích.
Giáo viên gần gũi, hướng học sinh vào những hoạt động lành mạnh, bổ ích.

Giáo dục bằng tình yêu thương

Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Việc ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, vai trò của nhà trường rất quan trọng bởi thầy cô, bạn bè là người tiếp xúc gần gũi, thường xuyên và có ảnh hướng lớn tới nhận thức của người học.

Theo thầy Tùng, xã hội hiện đại, nhịp sống nhanh đang khiến khoảng cách giữa con người xa hơn. Tuổi học sinh đầy biến động về tâm lý nên nếu thiếu đi sự yêu thương, quan tâm của gia đình, thầy cô và xã hội sẽ rơi vào khủng hoảng. Khi đó, các em sẽ tìm đến những thứ “giải khuây” độc hại, trong đó có việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

“Bởi vậy, bên cạnh hoạt động tuyên truyền bề nổi, những cách thức chỉ ra tác hại, đưa ra các cam kết, nhắc nhở nghiêm khắc, thầy cô hãy gần gũi, yêu thương, lắng nghe và mở lòng với học trò. Cha mẹ cần dành thời gian chăm lo sức khỏe tinh thần cho con. Ngay cả khi học sinh “lầm lỡ”, hãy đón nhận bằng lòng bao dung, vị tha và thấu hiểu để các em nhận thức được đúng, sai, từ đó tránh xa tệ nạn, thú vui có hại cho sức khỏe và tương lai” - thầy Tùng bộc bạch.

Cô Trần Thị Quỳnh Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Để nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của từng học sinh, giúp quản lý học sinh sát sao, tránh sa ngã vào các tệ nạn xã hội, trong đó có hút thuốc lá, trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh. Với những em gặp vấn đề về tâm lý, thầy cô gần gũi chia sẻ, động viên và hướng các em tới những hoạt động lành mạnh, bổ ích; từ đó giúp các em tránh xa hành vi lệch chuẩn…

Đề cập tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá thế hệ mới rất quan trọng.

Tuy nhiên, các ban, ngành và nhà trường cần quan tâm đổi mới cách thức tuyên truyền để học sinh, sinh viên nhận diện, nhận thức đầy đủ nguy cơ, tác hại của thuốc lá với sức khỏe và tương lai, tránh tuyên truyền một chiều, hình thức không đem lại hiệu quả thực chất.

Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng cơ sở pháp lý, thông tin, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá với học sinh, sinh viên. Khi rõ đầu mối, rõ trách nhiệm phối hợp cần kịp thời chỉ đạo đến địa phương, nâng cao trách nhiệm chính quyền, ngành Giáo dục địa phương trong triển khai các giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới.

Ngoài ra, các nhà trường cần chủ động phối hợp chính quyền trên địa bàn, với cha mẹ học sinh để bảo vệ trẻ em, học sinh trước sự xâm nhập tệ nạn xã hội vào môi trường học đường...

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng bày tỏ: Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, phát huy tinh thần, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh. Đồng thời, phối hợp giáo dục, định hướng các em thấy rõ tác hại với sức khỏe và tương lai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ