Tượng thần bí ẩn trong pháo đài La Mã cổ

Một trong những bảo vật được tìm thấy ở cuộc khai quật tại di tích pháo đài La Mã, là bức tượng thần được cho là thần sinh sản theo quan niệm của dân bản xứ.

Tượng thần bí ẩn trong pháo đài La Mã cổ

Các nhà khảo cổ đến từ trung tâm khảo cổ Wardell Armstrong đã phát hiện ra nhiều bảo vật trong cuộc khai quật đầu tiên ở di tích pháo đài La Mã, thị trấn Cockermouth, Cumbria (Anh).

Di tích pháo đài La Mã này được phát hiện nhờ một trận lũ lớn vào năm 2009 tại thị trấn Cockermouth. Khu vực này có diện tích khoảng 2500 m2, có niên đại 1700 năm.

Một trong số những bảo vật trân quý được các nhà khảo cổ tìm thấy trong đợt khai quật vừa qua, là bức tượng một vị thần mà cư dân bản xứ cho rằng là thần sinh sản. Bức tượng mổ tả vị thần một tay cầm bát patera, một tay cầm chiếc sừng cornucopia, hay còn được gọi là “sừng sung túc” - cả hai đều được xem như những biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, sự dồi dào và của cải.

Ngoài bức tượng kể trên, đội khảo cổ còn phát hiện hai đầu tượng, một nam, một nữ. Các chuyên gia cho rằng, đầu tượng nam đội một chiếc mũ vùng Phrygia, và nếu vậy đây là tượng thần Mithras – một vị thần được thờ phụng từ khoảng thế kỷ thứ 1 tới thứ 4.

Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng, đây là đầu tượng của thần Attis, một vị thần Hy Lạp. Và theo giả thuyết này, đầu tượng nữ còn lại có thể là tượng nữ thần Cybele.

Tại Hy Lạp, Cybele là nữ thần đại diện cho thiên nhiên và khả năng sinh sản. Còn ở Rome, nữ thần này mang tên Magna Mater, có nghĩa là Mẹ Vĩ đại, và cả hai đều gắn liền với phát hiện về bức tượng thần sinh sản đã nhắc tới ở trên.

Cuộc khai quật đang được thực hiện bởi trung tâm khảo cổ Wardell Armstrong, như một phần trong dự án Khám phá Derventio, với sự hỗ trợ của quỹ Heritage Lottery. Dự án này đã kéo dài được 3 năm rưỡi và dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2015.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ