(GD&TĐ)-Sách điện tử đã ra đời, trong tương lai sẽ thay thế dần sách truyền thống. Hòa cùng xu thế này, việc xuất bản sách giáo dục, tài liệu giảng dạy và xây dựng các chương trình phần mềm, số hóa sách giáo dục cũng sẽ được thực hiện ở Việt Nam.
HS thích thú với loại hình SGK mới
Khái quát tình hình sử dụng sách giáo khoa (SGK) điện tử ở một số nước trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Thị Hồi (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết: Từ năm 2009, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ thí điểm việc giảng dạy, học tập bằng SGK điện tử với sự tham gia của hơn 6 triệu học sinh.
Kết quả sau một thời gian thử nghiệm, học sinh vô cùng thích thú với loại hình SGK mới, với phương pháp học tập có sự tương tác cao độ trong các môn Toán và khoa học. Ngoài ra, các phụ huynh cũng tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể khi SGK điện tử có giá thành chỉ bằng một nửa so với SGK truyền thống.
Từ thành công tại California, hiện sách điện tử đã được đưa vào hầu hết các trường ĐH, CĐ và trung học trên nước Mỹ.
Còn tại Cộng hòa Pháp, theo một khảo sát của TNS-Sofres, hiện cứ 5 giáo viên có một người sử dụng SGK số, đặc biệt ở các trường học.
Còn Hàn Quốc đang tiến tới mục tiêu sẽ số hóa toàn bộ chương trình giáo dục, SGK của đất nước – chương trình này có ngân sách là 2 nghìn tỷ won (2 tỷ USD).
Các nhà xuất bản SGK Nhật Bản cũng đã giới thiệu những sản phẩm mới nhất cho lớp học của tương lai. Một dự án thực hiện tại nước này cung cấp máy tính cho 100% học sinh dưới 12 tuổi tại 10 trường tiểu học, đồng thời lắp đặt loại bảng đen điện tử tương tác trong các lớp.
Các thiết bị này được nối mạng, sử dụng phần mềm cho phép học sinh học cách viết những chữ phức tạp trên màn hình hoặc trao đổi ý kiến trên một tờ giấy trắng ảo theo thời gian thật dưới sự giám sát của giáo viên thông qua máy tính.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu SGK Nhật Bản cho rằng, phiên bản SGK số không thay thế SGK truyền thống mà nên được dùng như công cụ giáo dục bổ sung.
SGK điện tử tại Việt Nam
NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị tiên phong trong thí điểm xuất bản sách điện tử. Năm 2009, NXB này đã từng số hóa sách giáo viên nhưng do lần đầu tiên thực hiện nên tính tiện ích còn chưa cao. Theo kế hoạch, từ tháng 9/2012 - 8/2013, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn thiện xây dựng phần mềm để dạy các môn khoa học tự nhiên dành cho các cấp học phổ thông song song với việc đưa vào thử nghiệm tại một số trường học. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành số hóa các môn học còn lại và xuất bản các tài liệu có liên quan.
Theo TS Phạm Quang Tiến – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, khó khăn lớn nhất của việc số hóa sách là khối lượng sách quá lớn. Chỉ tính riêng NXB Giáo dục Việt Nam đã có đến 240 triệu đầu SGK, chiếm tới hơn 80% lượng sách xuất bản.
Vì vậy, sẽ tốn rất nhiều thời gian và nhân lực để số hóa toàn bộ số lượng sách này, nhất là khi muốn chuyển từ định dạng tĩnh sang định dạng sách điện tử tương tác để thuận tiện với người dùng hơn. Việc số hóa SGK cũng sẽ gặp khó khăn bởi thói quen người dùng, việc tôn trọng mua bản quyền sách.
Cùng với sách điện tử, sự ra đời của thư viện điện tử sẽ tạo cơ hội cho tất cả HSSV thỏa mãn niềm đam mê đọc sách. Việc triển khai thư viện điện tử trong trường học Việt Nam sẽ nhiều thuận lợi bởi Việt Nam là một trong số ít nước thực hiện kết nối internet miễn phí đến trường học; bên cạnh đó, hiện hầu hết các gia đình ở thành phố và một phần ở nông thôn nước ta đã trang bị máy tính tại nhà.
Hiếu Nguyễn