ĐBSCL sẽ biến mất trong 50 năm tới?

GD&TĐ - Các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hiện tượng lở đất
Nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hiện tượng lở đất

Chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m

Dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Nature Communications bởi nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud. Sau quá trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, học giả Minderhoud và các cộng sự phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mekong - tức ĐBSCL - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m).

Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người). Với đà này, không chỉ khu vực Mekong, các vùng châu thổ trên khắp thế giới cũng có nguy cơ chịu chung số phận.

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng công bố này là một thông tin cực kỳ đáng báo động, tuy nhiên nó tuân theo đúng các quy luật đang diễn ra ở ĐBSCL. Mực nước chỉ còn 0,8m tức là ở mức rất nguy hiểm, cần có các giải pháp ngay lập tức chứ không thể chần chừ được nữa. Về tính xác thực của công bố này, GS Vũ Trọng Hồng cho biết Hà Lan là một quốc gia rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và hiện tượng nước biển dâng ở ĐBSCL nói riêng. Đã có nhiều khoản hỗ trợ cả về người, vật chất để tiến hành nghiên cứu thực trạng này, với những công nghệ tối ưu nhất, nên có thể nói công bố này chắc chắn là có cơ sở khoa học vững chắc.

“Điều đáng lo ngại hiện nay là trong khi mực nước sông Mê Kông xuống rất thấp thì ĐBSCL lại gần như không còn bồi tích nữa. Nguyên nhân ở đây phần lớn là do con người với các hoạt động tác động mạnh mẽ vào thiên nhiên. Việc người dân ĐBSCL xây các đê quây để làm nhà ở khiến bùn, cát từ các nhánh sông đổ về không đi ra biển mà “quẩn” trong một vùng cố định. Trong khi nước biển thì dân cao mà bồi tích không có thì đương nhiên ĐBSCL sẽ sụt lún dần”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Sụt lún do bê tông hóa

Nhiều người dân mất nhà vì sụt lún đất
Nhiều người dân mất nhà vì sụt lún đất 

GS Vũ Trọng Hồng cho biết, khác với cấu tạo đá của các bờ biển lục địa, các vùng châu thổ được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn khi các con đập trên thượng nguồn chặn dòng phù sa, hoặc khi nước ngầm, khí đốt... bị rút khỏi lòng đất. Việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường bê tông nhiều, đường cao tốc lắm, khai thác nước ngầm... cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi. Tất cả các yếu tố trên là những gì đã và đang diễn ra ở ĐBSCL trong vài chục năm qua. Một vài khu vực đồng bằng thậm chí đang chìm với tốc độ gần 5cm/năm - thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

“Ngày xưa, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên là vùng chứa lũ. Sau này, do không có chính sách quy hoạch cụ thể, mạnh ai nấy làm, để người dân tự phát xây dựng nên hệ thống đê bao dần dần hình thành. Người dân lên đê bao để làm nhà ở quá nhiều, không có quy hoạch dẫn đến khi nước lũ tràn về theo kênh rạch đáng lẽ sẽ chảy ra biển thì nay bị ngăn lại. Mà nước bị ngăn lại thì sẽ không có phù sa. Đã đến lúc phải gấp gáp xây dựng chiến lược phát triển ĐBSCL, làm thế nào để làm chậm lại quá trình “chìm dần dần”, có các chính sách hỗ trợ người dân để thực hiện quy hoạch lại một cách bài bản”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Về nguy cơ phải di cư 12 triệu dân ĐBSCL trong vòng 50 năm tới, theo GS Vũ Trọng Hồng là vấn đề rất gần, thậm chí với tốc độ xây dựng như hiện nay thì khoảng thời gian này còn ngắn hơn nữa. 12 triệu người dân phải di cư là một con số khủng khiếp. Hệ quả này, do “nhân tai” nhiều hơn là thiên tai.

Sẽ không muộn nếu học theo Hà Lan

 

GS Vũ Trọng Hồng cho biết, thực tế, Hà Lan là quốc gia có địa hình thấp hơn mực nước biển nhưng họ vẫn tồn tại vững chãi cho đến ngày nay. Là bởi họ gây dựng được hệ thống bồi tích từ nước biển. Cứ bồi tích đến đâu, trồng cây đến đấy để tạo giữ đất. Phương pháp gây bồi của Hà Lan có thể là giải pháp tích cực để áp dụng ở Việt Nam. Để hạn chế bị “nhấn chìm” bởi nước biển dâng, hạn chế sụt lún, cần phá bỏ hệ thống bờ bao đang tồn tại, để nước lũ từ 9 nhánh sông đổ ra biển một cách tự nhiên mới có thể tạo ra bồi tích. Để làm được như thế, phải vẽ bản đồ hệ thống đê bao hiện tại, phá bỏ dần dần. Từ đó, bồi tích tự nhiên từ các nhánh sông đổ ra biển sẽ hình thành. Ngoài ra phải hạn chế xây dựng, không xây nhà quá cao tầng.

“Nếu không có các giải pháp ứng phó kịp thời thì sẽ rất nguy cấp. Nếu để nước biển dâng diễn ra theo đúng kịch bản của các nhà khoa học Hà Lan đề ra thì nguy cơ phải di dân là rất cao. Đã đến lúc phải tính toán lại việc quy hoạch khu vực này, cũng như đề ra các giải pháp ứng phó”, GS Vũ Trọng Hồng cho biết.

TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, nghiên cứu về vấn đề nước biển dâng ở ĐBSCL của các nhà khoa học Hà Lan đã trình bày những phát hiện, phân tích khá đầy đủ về vấn đề sử dụng số liệu địa hình khi đánh giá ngập lụt cũng như tính dễ bị tổn thương gây ra bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới, thực tế năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực ĐBSCL.

Ở Việt Nam, bản đồ số độ cao do Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng trong kịch bản năm 2016 là nguồn số liệu cập nhật và tốt nhất. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành giai đoạn tiếp theo của việc đo đạc địa hình khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang tiếp tục được cập nhật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.