Tương lai nào cho Dải Gaza?

GD&TĐ - Bộ binh Israel đang đổ bộ vào Dải Gaza kết hợp với không quân nhằm tiêu diệt Hamas.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bộ binh Israel đang đổ bộ vào Dải Gaza kết hợp với không quân nhằm tiêu diệt Hamas. Kịch bản lo ngại nhất của cuộc xung đột đã thành hiện thực và tương lai của vùng đất này có thể sẽ thay đổi hoàn toàn.

Với việc đưa bộ binh vào Dải Gaza bất chấp mọi sức ép quốc tế cũng như mối đe dọa khai chiến từ các lực lượng Hồi giáo khác, chính quyền Israel thể hiện quyết tâm truy quét Hamas đến cùng sau cuộc tấn công của nhóm này ngày 7/10.

Động thái này cũng đẩy cuộc xung đột Hamas - Israel bước vào giai đoạn ác liệt nhất với chiến trường chính là khu vực phía Bắc Dải Gaza. Giới chuyên gia nhận định chiến dịch tấn công trên bộ khiến Israel gặp nhiều thách thức trong tác chiến đô thị nhưng với sức mạnh áp đảo của mình, nhiều khả năng họ sẽ đạt được mục tiêu quân sự của mình là đánh bại Hamas.

Tuy vậy, chính Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các tướng lĩnh cũng thừa nhận chiến dịch này có thể phải kéo dài nhiều tháng với những tổn thất không nhỏ. Nhưng dù giao tranh ác liệt đến đâu thì cũng phải đến lúc kết thúc và khi đó tương lai nào đang chờ Dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt đang nhận được sự quan tâm lớn.

Theo ông Michael Milshtein, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi Moshe Dayan tại Đại học Tel Aviv (Israel), sau khi xung đột kết thúc với khả năng Hamas bị loại bỏ thì việc quan trọng nhất là phải thiết lập hệ thống quản lý mới ở Dải Gaza. Lý do là Israel sẽ không để khoảng trống quyền lực tồn tại ở đây vì sẽ bị các nhóm cực đoan lợi dụng để gây bất ổn.

Theo chuyên gia này, một trong những khả năng có thể xảy ra là Israel sẽ kiểm soát Dải Gaza như đã từng làm suốt 38 năm trước khi rút quân vào năm 2005. Nhưng kịch bản này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Israel khi có thể phải đối mặt với làn sóng kháng cự mới của người Palestine, tương tự như phong trào Intifada cách đây 2 thập kỷ đã khiến Israel phải rút quân khỏi Dải Gaza.

Một gánh nặng khác cho kịch bản này theo Giáo sư Stephan Stetter (Đại học Lực lượng Vũ trang Đức ở Munich) là Israel sẽ phải chăm lo cho người dân ở Dải Gaza theo luật nhân đạo quốc tế.

Việc đảm bảo an ninh, y tế, lương thực cơ bản cho hơn 2 triệu người ở Dải Gaza khi đó sẽ vượt quá khả năng của Israel. Chưa kể việc Israel kiểm soát khu vực này còn phải hứng chịu sự phản đối từ nhiều nước.

Kịch bản thứ hai có thể xảy ra là chính quyền Palestine do đảng Fatah lãnh đạo ở Bờ Tây quay lại kiểm soát Dải Gaza như từng làm trước khi Hamas nổi lên sau cuộc tuyển cử năm 2006. Trong bối cảnh đa phần người dân ở Dải Gaza ủng hộ Hamas thì việc chính quyền Palestine quay lại đây sau chiến thắng của Israel trước Hamas có thể khiến họ không nhận được sự ủng hộ.

Kịch bản thứ ba mà các chuyên gia đưa ra là Liên Hợp Quốc có thể tiếp quản Dải Gaza hậu xung đột, tương tự như đã làm ở Kosovo và Đông Timor trước đây. Một kịch bản khác được cho là có khả năng xảy ra là các quốc gia Ả Rập trong khu vực sẽ phối hợp với chính quyền Palestine ở Bờ Tây cùng quản lý khu vực, nhằm đảm bảo sự ủng hộ của người địa phương.

Dù với bất cứ kịch bản nào thì cuộc xung đột hiện nay chắc chắn sẽ làm thay đổi tương lai của Dải Gaza vốn bất ổn trong suốt nhiều thập kỷ qua. Từ nay cho đến khi tình hình lắng xuống khu vực này sẽ vẫn hứng chịu sự đổ máu hàng ngày cùng thảm họa nhân đạo hiện hữu, trong đó nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là dân thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ