(GD&TĐ) - Tình hình ở Ai Cập thay đổi mỗi ngày. Nếu như cách đây 2 năm, lấy cảm hứng từ một cuộc biểu tình trên quảng trường Tahrir, những người dân thường đứng lên lật đổ chế độ mà họ gọi là “độc tài” của Hosni Mubarak thì giờ đây họ lại lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi do chính họ bầu ra.
Những ngày này, tranh chấp quyền lực diễn ra dữ dội đang có nguy cơ đẩy đất nước của kim tự tháp vào vòng hỗn loạn. Theo các nhà phân tích, nếu không nhanh chóng tiến hành hòa giải dân tộc, Ai Cập sẽ có những biến cố khó lường.
Kết tội Mohammed Morsi
Ngày 10/7, ngay sau khi được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời của Ai Cập, ông Hazem al - Beblawi cho biết sẽ bắt tay vào thành lập nội các mới. Trong cuộc trò chuyện với Reuters, Hazem al - Beblawi thừa nhận rằng chính phủ của ông khó có thể nhận được sự ủng hộ cao từ người dân Ai Cập.
Đó là một thực tế không thể phủ nhận bởi sau những động thái cô lập, tấn công tổ chức “Những người Hồi giáo anh em”, chính quyền mới ở Ai Cập bắt đầu khép tội cựu Tổng thống Mohammed Morsi bằng hàng loạt các tội danh nhằm triệt hạ hoàn toàn vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử của đất nước này. Mới đây nhất, Văn phòng Công tố Ai Cập đã mở cuộc điều tra vụ kiện chống lại Tổng thống vừa bị lật đổ Mohammed Morsi và một số nhà lãnh đạo của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em”, buộc họ phạm tội làm gián điệp và đàn áp người biểu tình.
Theo trợ lý Chánh Công tố Ai Cập Adel al-Sayyid, các nhà điều tra Ai Cập đang xem xét các tội danh do ông Morsi và các nhà lãnh đạo đảng “Tự do và Công lý” như Mohammed al-Beltagy và Islam al - Aryan gây ra. Họ bị kiện vì tội hợp tác với các cơ quan nước ngoài làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, kích động giết hại người biểu tình hòa bình, sản xuất vũ khí và chất nổ - Hãng Itar TASS dẫn lời ông al - Sayyid nêu rõ. Bản luận tội tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” có đoạn: “Tấn công vào doanh trại quân đội gây thiệt hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”.
Theo các nhà phân tích, đây là bước đi tiếp theo trên con đường tiến tới hạ bệ hoàn toàn đối với Tổng thống Mohammed Morsi và tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” của chính quyền mới.
Cairo 12/7/2013 |
Giải pháp nào cho tương lai của Ai Cập?
Thời Hosni Mubarak, Ai Cập trở thành đất nước nghèo khó, bất hạnh, đặc biệt mâu thuẫn sắc tộc được đẩy lên đỉnh điểm. Ai Cập không thể giúp đỡ Palestine trong cuộc chiến chống lại Israel, không giúp được những người anh em ít nhất là trong đức tin. Lật đổ chế độ Hosni Mubarak, người Ai Cập hy vọng một tương lai mới cho đất nước này mà không tính đến một thực tế tàn nhẫn dưới sự thống trị của những người Hồi giáo cực đoan.
Một năm trôi qua, “Những người Hồi giáo anh em” cùng với đảng “Công lý và Tự do” của Mohammed Morsi dựa vào số đông người Ai Cập không ngừng củng cố quyền lực của họ. Việc thay đổi hiến pháp, nâng cao vai trò lãnh đạo của Tổng thống và hất cẳng những nhà lãnh đạo thuộc phe đối lập là một ví dụ. Đây là hành động gây bất bình sâu sắc trong xã hội.
Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, muốn ổn định và phát triển, chính quyền mới ở Ai Cập không có con đường nào khác là tiến hành hòa hợp dân tộc. Có điều, ngay khi lên nhậm chức, Thủ tướng lâm thời Mohammed al - Belragy đã khẳng định nội các của ông cần sự tham gia của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” nhưng Gehad el-Haddad - người phát ngôn của tổ chức này tuyên bố tẩy chay. Việc lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi mà đa số các nhà phân tích nhận định là cuộc đảo chính “mềm” đã khoét sâu mối bất hòa trong lòng xã hội Ai Cập.
Việc bổ nhiệm Thủ tướng, nội các chật vật vừa qua cho thấy quân đội Ai Cập đã gặp phải những khó khăn như thế nào trong việc điều hành đất nước. Trước hết là sự chia rẽ giữa những người chống và ủng hộ Mohammed Morsi, thứ nữa là sự chia rẽ ngay trong lòng liên minh lật đổ Tổng thống Morsi. Các nhà phân tích cho rằng, tương lai của Ai Cập là tối tăm và vô định.
Điều dễ hiểu là “Những người Hồi giáo anh em” sẽ không chấp nhận để quân đội tước đi những quyền lợi của họ. Đó là quyền lực và quy chế hợp pháp mà họ đã phải chờ đợi 86 năm trời mới có được. Ai Cập khó có thể ổn định nếu không có sự hiện diện của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” trong đời sống chính trị của đất nước này.
Hòa hợp dân tộc là giải pháp tốt nhất để Ai Cập nhanh chóng thoát khỏi bờ vực của một cuộc nội chiến đẫm máu. Có lẽ, tháng ăn chay Ramadan được bắt đầu vào tuần này sẽ là cơ hội để quân đội, các đảng phái chính trị và mỗi người dân Ai Cập - đất nước canh giữ kênh đào tối quan trọng trong việc thông thương hàng hóa giữa các châu lục - Suez, đất nước nắm giữ “chìa khóa” của mọi cuộc thương thuyết giữa người Ả Rập với Israel… có trách nhiệm suy ngẫm về tương lai của đất nước của họ.
Duy Long (TH)