Tưởng con thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, bố mẹ tá hỏa vì trẻ có vấn đề

Từng gọi con gái 4 tuổi là "Tây Tây" vì nghĩ bé giỏi tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ, chị Mai (Hà Nội) sau phải cho con đi trị liệu.

Tưởng con thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, bố mẹ tá hỏa vì trẻ có vấn đề

Chị Mai, trưởng phòng một công ty truyền thông tại Ba Đình, Hà Nội từng luôn hãnh diện khi mỗi lần dẫn con đi đâu là mọi người lại trầm trồ về khả năng nói, hát ngoại ngữ của bé. Từ lúc chưa đầy 3 tuổi, con gái chị đã nói được hết các từ chỉ con vật, hình khối, màu sắc... thuộc rất nhiều bài hát tiếng Anh. Chị Mai hỏi bằng ngoại ngữ bé sẽ trả lời ngay, còn hỏi bằng tiếng Việt thì con im lặng hoặc quay đi chỗ khác. Tới lúc 4 tuổi, bé đã hát được bài người lớn bằng tiếng Anh, được mẹ quay video khoe với mọi người. 

Tuy nhiên, thấy con về sau vẫn chỉ nói các từ ngoại ngữ đơn lẻ, mà không trò chuyện bằng ngôn ngữ này, tiếng Việt thì bập bẹ chưa bằng em bé lên 2, chị Mai bắt đầu thấy hoang mang. Nghe cô giáo góp ý ở lớp con không giao tiếp với bạn bè, chẳng tiếp thu lời cô, chị mới đưa bé đi khám. Các chuyên gia phát hiện con gái chị mắc tình trạng rối loạn phổ tự kỷ và con cần can thiệp lâu dài. 

Ảnh: MT.

Nhiều bố mẹ vui khi thấy con say mê các ứng dụng, chương trình học tiếng Anh mà không biết việc tiếp xúc quá sớm khi trẻ có sẵn khó khăn về ngôn ngữ có thể ảnh hưởng xấu tới con.

Tình cảnh giống chị Mai không phải là hiếm, khi không ít phụ huynh đang phải đưa con đi trị liệu rối loạn về ngôn ngữ, phát triển tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội). 

Thạc sĩ Tạ Ngọc Bích, phó giám đốc Trung tâm, cho biết, hiện nay, việc con nói được nhiều từ tiếng Anh khi còn nhỏ là niềm tự hào của không ít cha mẹ. Nhưng điều bố mẹ cần quan tâm là trẻ sử dụng ngôn ngữ đó như thế nào. Ngôn ngữ là để giao tiếp, chia sẻ hay tương tác. Nếu trẻ nhớ các từ rời rạc kiểu chụp hình, chỉ nhắc lại, nói lại những gì nhìn thấy, nghe được mà không biết tạo câu, hỏi chuyện thì cha mẹ cần lưu ý. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy con đang có vấn đề cần can thiệp.   

Điều đáng nói là, rất nhiều bố mẹ không nhận ra sớm các vấn đề của con vì cho rằng bé giỏi tiếng Anh, không nói tiếng Việt là hoàn toàn bình thường, thậm chí bộc lộ tư duy đặc biệt, thông minh. Độ tuổi trẻ hay được đưa đến can thiệp về ngôn ngữ là tầm 24 tháng, nhưng không ít gia đình con 4-5 tuổi mới nhận ra bất thường. Trẻ có khó khăn nếu không được hỗ trợ thì vấn đề ngày càng nặng và ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, các mối quan hệ xã hội, khả năng học tập của các em.

Như trường hợp bé An, con gái vợ chồng chị Như Bích ở Tây Hồ, Hà Nội là một điển hình.

Kinh tế khá giả, mới chỉ sinh một bé nên gia đình chị Bích dành mọi ưu tiên cho con gái. Khi con hơn một tuổi, anh chị vui mừng thấy bé rất hứng thú với các chương trình tiếng Anh và biết phát âm ngoại ngữ trước khi gọi "ba", "mẹ". Tuy nhiên, tới khi 2 tuổi vẫn thấy con chỉ đọc từ và hát tiếng Anh, nhất định không nói tiếng mẹ đẻ, chị Bích cũng hơi lo lắng nên tăng cường trò chuyện với con bằng tiếng Việt nhiều hơn, đồng thời cho bé đi học một lớp chậm nói. 

6 tháng sau vẫn thấy con đọc rành ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ, vợ chồng chị Bích quyết định cho bé nghỉ học nói tiếng Việt để đi học trường quốc tế. "Đằng nào nhà mình cũng định hướng sau này sẽ cho con đi du học, chẳng nói được tiếng Việt cũng không sao", chị Bích nghĩ. 

Tuy nhiên, khi vào môi trường chỉ nói ngoại ngữ, con gái chị cũng không hòa đồng và theo nhịp được. Con vẫn chỉ nói các từ riêng lẻ, không hề biết giao tiếp bằng tiếng Anh, luôn chơi một mình. Sau cả năm học trường quốc tế, vốn tiếng Anh của con chẳng hề tăng. Ở nhà, vì tiếng Việt kém, không thể diễn đạt các ý muốn của mình với bố mẹ hay người giúp việc, bé hay cáu giận, ăn vạ, khiến cả nhà cũng chật vật.

Thấy tình trạng ngày càng tệ đi, đầu năm vừa rồi, khi con gái 5 tuổi, vợ chồng chị Bích lại đưa con đi khám. Cô bé được chẩn đoán là rối loạn và chậm phát triển ngôn ngữ. Vợ chồng chị quyết định chuyển con về học trường làng. "Giờ mình không đặt mục tiêu con siêu tiếng Anh hay sau này đi du học, giỏi giang gì nữa. Chỉ cần cháu có thể nói bình thường, học và chơi bình thường thôi. Học trường làng con có môi trường học và nói tiếng Việt nhiều hơn", chị Bích kể.

Thạc sĩ tâm lý Tạ Ngọc Bích cho biết, để nhận biết con thực sự có vấn đề không, cha mẹ có thể so sánh với sự phát triển ngôn ngữ của con với bạn bè cùng trang lứa, xem liệu bé có khả năng dùng ngôn ngữ - dù là ngoại ngữ hay tiếng mẹ đẻ - để giao tiếp không. 

Bố mẹ cũng cần tham khảo ý kiến cô giáo để xem trên lớp con có hiểu những gì cô nói và đáp lại các yêu cầu, trẻ có chơi và trò chuyện với các bạn... Cha mẹ cũng nên lắng nghe góp ý của người thân nếu họ nhận xét con có các biểu hiện bất thường.

"Phụ huynh không cần lo lắng thái quá, mỗi đứa trẻ có thể có sự phát triển khác nhau, nhưng cũng chớ chủ quan. Nếu thấy có băn khoăn, tốt nhất nên đưa con đến gặp chuyên gia để được tư vấn và xác định xem trẻ có khó khăn gì không và nếu cần sẽ được can thiệp sớm, hiệu quả", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo chuyên gia, việc chưa rành tiếng mẹ đẻ đã tiếp xúc với ngôn ngữ khác sẽ khiến vấn đề tiềm ẩn của các em trở nên khó phát hiện hơn.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.