Tiếp nối Hà Nội, bộ phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua về ban nhạc Bức tường và thủ lĩnh Trần Lập sẽ đến với TP.HCM và một số tỉnh, thành khác. 75 phút của phim mang tới món quà quý gói ghém tuổi trẻ của biết bao người.
Hình ảnh ban nhạc Bức tường thuở mới thành lập trong phim
Sau khi có mặt tại hai cụm rạp là Trung tâm chiếu phim quốc gia và Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương, Chuyện ngày hôm qua tạm “dừng chân” tại một địa điểm đặc biệt, đó là trường Đại học Xây dựng (Hà Nội).
Vào tối ngày 26/3, những thành viên nhiều thế hệ của ban nhạc Bức tường trở về mái trường xưa, mang theo bộ phim kể về những năm tháng đã qua của họ. Đây là buổi chiếu được Đại học Xây dựng tổ chức dành cho sinh viên, để các bạn trẻ hôm nay có dịp trò chuyện, gặp mặt những thành viên của ban nhạc được khai sinh từ ngôi trường này.
Bên cạnh chiếu phim, Đại học Xây dựng tặng Bức tường món quà đặc biệt là một bộ nhạc cụ. Nếu đã xem bộ phim, khán giả sẽ hiểu có một câu chuyện xúc động đằng sau việc làm này. Ở phần kết của Chuyện ngày hôm qua, khi cảm xúc của khán giả được đẩy lên cao sau cái chết của thủ lĩnh ban nhạc Trần Lập, có dòng chữ hiện lên: “Bộ phim này được làm để dành tặng tuổi trẻ một thời và dành tặng ban nhạc mà ước mơ suốt thời sinh viên của họ là có nhạc cụ của riêng mình”.
Bộ phim Chuyện ngày hôm qua giúp chuyên chở, gợi nhớ một phần ký ức đó từ ban nhạc được thành lập năm 1995, tức cách đây đã hơn hai thập niên, từ khi các thành viên như Nguyễn Hoàng, Tuấn Hùng, Nhất Hoàng, Trần Lập… còn là sinh viên năm thứ hai, thứ ba. Nữ đạo diễn Đặng Linh và cộng sự là đạo diễn Hồng Thăng đưa khán giả trở về những năm tháng cũ, khi một ban nhạc rock ra đời với cái tên The Wall (Bức tường).
Dù được thành lập theo chủ trương của Đại học Xây dựng và chơi nhạc trong những sự kiện của trường, nhưng vượt lên những định kiến về nhạc rock và hình ảnh của các rocker, vượt lên quy mô trường lớp, Bức tường nhanh chóng trở thành ban nhạc nổi tiếng của sinh viên thời đó, đặc biệt khi được “phủ sóng” qua sân chơi truyền hình đình đám một thời là SV’96.
Bộ phim có cấu trúc khá rõ gồm hai phần, riêng phần sau có sức tác động mạnh mẽ đến cảm xúc khán giả, gắn với biến cố lớn của Bức tường là sự ra đi của thủ lĩnh Trần Lập vì căn bệnh ung thư. Tuy vậy, cũng vì có cảnh chia ly mà những ký ức xưa, những năm tháng cũ càng như hiện lên sâu đậm hơn, đau đáu hơn.
Nhìn về thuở “bình minh sinh viên năm 2000” của Bức tường mới càng thấy ban nhạc cùng thế hệ khi đó đã có một thời tuổi trẻ thật đáng giá. Họ đã cùng nhau say sưa hát về tình yêu trong sáng với Bông hồng thủy tinh, hát về lẽ sống với Cây bàng, hát về ước mơ với Đường đến ngày vinh quang… Những bài hát do chính Trần Lập và ban nhạc tự sáng tác ấy định danh nên một dòng nhạc được gọi là “rock Việt”, nghe kiêu hãnh, tự hào.
Ngay từ cách đây hai thập niên, tinh thần tự thân, viết ca khúc riêng, không dựa vào việc chơi lại nhạc ngoại và ý thức “viết tên mình trên đời” được ban nhạc thể hiện mạnh mẽ, truyền cảm. Đương nhiên niềm hứng khởi ấy sẽ không thể lan tỏa nếu như không có sự cổ vũ, hưởng ứng của sinh viên và giới trẻ thời đó. Không khí những năm tháng nỗ lực tập luyện, tìm hướng phát triển cho ban nhạc cùng những đêm diễn đầy lửa trước hàng nghìn khán giả minh chứng cho sự cộng hưởng từ hai phía công chúng và nghệ sĩ.
Ở đây, đề cập đến hai chữ “nghệ sĩ” nghe có vẻ to tát, nhưng thực tế những “nghệ sĩ”, tức các “rocker” như Bức tường và các ban nhạc cùng thời như The Light, Gạt tàn đầy, Đại bàng trắng… lúc đó sống trong sự thiếu thốn đủ thứ. Khi tốt nghiệp, ra trường, ban nhạc từng tung hoành thời sinh viên phải trả lại nhà trường bộ nhạc cụ. Khi đi làm nhiều công việc khác nhau, họ gom góp tiền ra Hải Phòng mua nhạc cụ đã qua sử dụng.
Vậy mà từ những cây đàn “second-hand” đó, họ đã cho ra đời loạt album mang dấu ấn riêng, bắt đầu từ Tâm hồn của đá, mà có lẽ đến bây giờ không phải quá lời khi nói rằng đây vẫn thuộc số những đĩa nhạc hay nhất của “rock Việt”. Riêng với thủ lĩnh Trần Lập, như người thân và hàng xóm kể lại, từ thuở thiếu thời chàng trai đó đã không quản ngại gian khó, làm nhiều công việc khác nhau để theo học trường nhạc, nuôi dưỡng sở thích, nuôi dưỡng
tâm hồn.
Những hình ảnh ố màu thời gian về ban nhạc Bức tường cùng ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập ở bộ phim Chuyện ngày hôm qua phản chiếu về một thế hệ sinh viên giàu hoài bão, về một thời tuổi trẻ nhiều đắm say, nhiệt huyết. Không chỉ những đêm nhạc rock ngoài trời thu hút hàng nghìn khán giả hay những album bán chạy, không khí những đêm hội trường, những chương trình SV’96 đầy phấn chấn không khỏi khiến người xem rưng rưng xúc động về một thời đã qua, rồi có thể tự nhìn lại mình đã làm được gì, đã sống như thế nào và nay có gì…
Ngoài khắc họa con đường đi và chân dung của Bức tường và Trần Lập, phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua đã phần nào tái hiện lại bức tranh về giới trẻ Việt Nam ở những năm 1990 - 2000. Nhìn lại thời chưa quá xa ấy hẳn nhiều người trong chúng ta của ngày hôm nay không khỏi băn khoăn: liệu có gì tiếc nhớ, xót xa khi những mầm cây khỏe khoắn, nhiệt huyết, chứa đầy ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ quý giá khi xưa đến hôm nay dường như vẫn chưa kịp “tỏa bóng”?