Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2020 là 73,7 tuổi

Sáng nay (06/0)1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Y tế toàn quốc, đánh giá kết quả đạt được năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Y tế toàn quốc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Y tế toàn quốc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thời gian qua, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020, là một trong những lực lượng đi đầu, đóng góp quan trọng vào thành công trong phòng chống COVID-19. Việt Nam là điểm sáng phòng chống COVID-19 thành công; là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus; là 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể; chủ động được sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất thành công máy thở; là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vaccine trên người....

Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây Nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra "dịch chồng dịch". Dịch bệnh HIV/AIDS tiếp tục được kiểm soát, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ là 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bước đầu triển khai có hiệu quả. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên: Nam đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2009; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với năm 2009. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hoạt động của y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình được đổi mới. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tổng thể hoạt động trạm y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tỉ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe là 23,9% năm 2019, ước 45,6% năm 2020.

Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2020 là 73,7 tuổi (tăng 0,1 tuổi so với năm 2019: 73,6 tuổi). Duy trì 14 năm liên tiếp từ năm 2006 đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2020 ước tính là 2,12 con/phụ nữ. Tỉ số giới tính khi năm 2020 là 112,1 bé trai/100 bé gái.

Hệ thống cung ứng thuốc phủ rộng khắp toàn quốc, mật độ trung bình đạt khoảng 1.600 người dân có 1 cơ sở bán lẻ thuốc. Các nhà máy sản xuất vaccine trong nước đã cung ứng được 10 trong tổng số 11 vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn nỗ lực phấn đấu vượt mục tiêu tỉ lệ dân số tham gia BHYT, giao 90,7%, đạt 90,85%. Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT từ 1/1/2021.

Hoàn thành việc hoàn thiện hồ sơ quản lý sức khỏe cho 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân; kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã; quyết tâm thực hiện công khai minh bạch với hơn 60.000 dược phẩm, 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, gần 100.000 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ trên Cổng Công khai y tế.

Năm 2021, Bộ Y tế cho rằng, công cuộc phòng chống đại dịch chưa có điểm kết thúc; sự biến đổi của virus đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong đại chiến cam go này. “Bảo vệ cho nhân dân được hưởng một cái Tết bình an”, “Để cuộc sống trở lại cuộc sống bình thường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân” - là niềm mong muốn và là mục đích trước mắt và lâu dài là cấp bách và cũng là trường kỳ trong năm 2021.

Ngành y tế cũng phấn đấu tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 91%. Tháng 3/2021, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cấp phép ngành dược, an toàn thực phẩm. Tháng 7/2021, thực thi khám chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy, đặt khám trực tuyến trên toàn quốc.

Áp dụng trên diện rộng phương thức chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán (DRG). Toàn bộ dữ liệu y tế được lưu trữ tập trung.

Theo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ