Một cuộc đời vay mượn trong bấy nhiêu năm ấy với bà là quá đủ, đã đến lúc bà chọn đi theo con đường mình mong muốn: xuất gia để sống những tháng năm an lạc trong chốn thiền môn.
Với lối dẫn dắt giản dị, chân tình cùng gương mặt phúc hậu, mái tóc pha sương và kiến thức về ẩm thực vô cùng phong phú, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân gần như đã trở thành một “huyền thoại” của bao thế hệ người Việt, nhất là chị em phụ nữ thông qua chương trình “Khéo tay hay làm” từ hơn 25 năm trước.
Đến nay, thông tin bà quyết định xuống tóc xuất gia tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành TP.HCM đã làm biết bao người xôn xao.
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã phấn đấu vượt qua bao thăng trầm để đạt được những thứ bao người mơ ước, cuối cùng khi bước sang triền dốc phía bên kia cuộc đời, ở tuổi 65, có lẽ bà đã nhận ra mọi thứ mình nắm trong tay chẳng khác gì mây trời gió thoảng, cố gắng siết chặt cũng chỉ là hư không.
Bà chưa một lần sống vì bản thân mình, một cuộc đời vay mượn trong bấy nhiêu năm ấy với bà là quá đủ, đã đến lúc bà chọn đi theo con đường mình mong muốn: sống những tháng năm an lạc trong chốn thiền môn...
Tuổi thơ nghèo khó và món nợ ân tình với mẹ mãi không trả được
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Hà Nội. Bà là con gái út nên được bố mẹ, anh chị vô cùng cưng chiều, đó cũng là lý do khiến bà trở nên ương bướng ngang ngạnh ngay từ nhỏ.
Nhắc lại kỷ niệm thời thơ ấu, bà vô cùng tiếc nuối vì có một lần mình làm mẹ khóc. Bà kể vào năm 7 tuổi, bà thấy trẻ con nhà hàng xóm ăn bánh bao ngon quá, bà nằng nặc bắt mẹ mua cho mình ăn. Nhưng nhà nghèo, tiền đâu mà mua bánh, mẹ bà vừa yêu con gái, vừa lo nghĩ về cái nghèo nên đã âm thầm khóc trong bếp.
Dù bà đã xin lỗi mẹ nhưng mẹ cứ buồn hoài. Vậy là từ đó, càng lớn bà càng thương mẹ hơn.
Về sau, gia đình Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chuyển vào Gia Lai lập nghiệp. Đến tuổi thiếu nữ bà được bố mẹ gửi đi học nội trú ở Sài Gòn.
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng học sinh giỏi Văn, bà nghiễm nhiên trở thành cô giáo dạy văn cấp ba tại trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền. Rồi bà cưới chồng, sinh con.
Buồn thay bà lại sa vào cái nghèo. Bà nói thời điểm ấy, bà cứ nghĩ cưới chồng thì cũng xem như an phận, bà sẽ dành nhiều tiền bạc và thời gian để bù đắp cho mẹ. Nhưng với mức lương giáo viên bèo bọt, bà không thể làm gì nhiều hơn ngoài chữ “thương”.
Rồi bằng quyết tâm của mình, “cô út” Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân ý định dành dụm một số tiền làm quà tặng mẹ. Bà định bụng sẽ tặng mẹ 500 đồng - khoảng sáu tháng lương giáo viên thời ấy.
Bà làm lụng thêm nhiều nghề phụ xoay xở đủ cách. Đến ngày gom được 495 đồng thì… mẹ bà mất. Đây là nốt trầm nhói tim đầu tiên trong cuộc đời Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, bà nói giá như bà trân trọng những phút giây hiện tại, đừng đợi chờ đủ tiền mới cho mẹ thì có lẽ bà đã không phải hối hận nhiều đến như vậy.
Bà nợ mẹ mình một ân tình mà mãi không thể nào trả được.
Bi kịch chồng chất bi kịch, ôm con trai út sang Úc chữa bệnh với 5 đô la trong túi
Mẹ mất được ít lâu, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân như sụp đổ một lần nữa vì phát hiện con trai út bị bệnh tim. Đứa bé còi cọc, hay khó thở, sức khỏe suy kiệt.
Và để có tiền duy trì sự sống cho con và phụ chồng lo cho gia đình, bà phải bươn chải làm đủ thứ nghề. Từ làm bánh, đan len, thêu thùa may vá,... bà đều không ngại. Có hôm sau giờ giảng dạy trên lớp, bà phải về nhà vắt sổ thêm hàng trăm cái áo. Hy sinh cố gắng hết sức, vậy mà ông trời bạc đãi, con trai út bệnh tình ngày một nặng hơn, nợ nần cũng theo đó mà chất chồng.
Không còn cách nào khác, bà cắn răng ôm con sang Úc chữa trị, điều này đồng nghĩa với việc bà phải chấm dứt 18 năm theo đuổi nghề giáo.
Nhớ lại hôm đưa ra quyết định, bà nói bà chấp nhận mất hết tất cả nhưng không thể để mất đứa con mình đứt ruột sinh ra. Ngày bà ra phi trường, trong túi vỏn vẹn chỉ có 5 đô la, may mắn bà được một người chị kết nghĩa dúi vào túi cho thêm 20 đô la.
Cứ thế bà lên đường với số tiền ít ỏi. Sang Úc, cuộc sống của mẹ con bà cũng mịt mờ theo đúng nghĩa đen. Thời điểm ấy Úc đang vào mùa đông, lạnh thấu xương thấu thịt, một manh áo lành cho con ấm hơn chút, bà cũng không có tiền mua.
Ở Úc, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân phải làm việc tối mặt tối mũi để kiếm tiền, bà kể mỗi ngày bà đều ra khỏi nhà từ sáng tinh mơ và về nhà khi trời đã tối muộn chỉ để kiếm 6 đô la.
Chắt chiu dành dụm để con được phẫu thuật, đồng thời còn phải gửi một ít về Việt Nam phụ chồng nuôi con trai cả. Quả thật, trước khi trở thành “huyền thoại” của gian bếp gia đình Việt, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là một người mẹ kiểu mẫu: Hy sinh cho con, hết lòng vì con.
Quay về Việt Nam và bén duyên trở thành người truyền lửa bếp núc cho hàng triệu phụ nữ
Sau một năm xa xứ, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đưa con trở về Việt Nam. Cuộc sống của bà không thay đổi chút nào, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Bà muốn xin quay lại làm giáo viên để có tiền trang trải cuộc sống mà không được, cộng thêm với việc chồng bà thất nghiệp đã đẩy gia đình bà rơi vào tuyệt vọng.
Có tháng bà đi chợ mua thức ăn cho con 30 ngày thì cả thảy 30 ngày đều mua thiếu. Nhớ lại ngày ấy, bà cảm thấy vô cùng cảm kích chị em bán hàng ở chợ Ông Tạ. Họ đã từng giúp bà rất nhiều. Họ cho bà đi chợ thiếu tiền và động viên bà vượt qua bi kịch.
Nghèo thì nghèo nhưng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chưa bao giờ đầu hàng số phận. Bà tiếp tục làm đủ thứ nghề để kiếm đồng ra đồng vào. May thay bà xin được vào Trung tâm Dạy nghề Tân Bình để dạy làm bánh, dạy nữ công gia chánh.
Tại đây, bà bắt đầu bộc lộ tài năng ẩm thực của mình. Bà chia sẻ có lẽ do ảnh hưởng từ mẹ, nên bà nấu ăn khá khéo, lại có khứu giác đặc biệt tốt nên hầu như món nào chỉ cần ngửi thử một lần là nhớ mãi, từ đó tìm tòi ra cách làm.
Đến năm 1993, bà được mời trở thành người dẫn dắt trong chương trình “Khéo tay hay làm”. Đây có thể nói là cột mốc giúp thay đổi cả cuộc đời của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân về sau, được hàng triệu người từ già trẻ lớn bé đều yêu mến và cũng chính là bước đệm để bà trở thành người tiên phong trong việc quảng bá ẩm thực Việt ra ngoài thế giới.
Thậm chí bà còn có cơ hội được sống và làm việc ở nước ngoài với vai trò Nghệ nhân ẩm thực Việt. Ngoài ra, sau khi cuộc sống ổn định nhờ vào chương trình “Khéo tay hay làm”, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn viết hơn 40 đầu sách dạy nấu ăn, mở cửa 3 nhà hàng rất được lòng thực khách Sài Gòn.
Đột ngột ở ẩn và những bí mật ít ai biết của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân
Những năm đầu giai đoạn 2010, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đột ngột ở ẩn, bà chọn sống một mình trong một gia trang êm đềm ở Bình Dương.
Thi thoảng bà vẫn nhận lời tham gia các chương trình hướng dẫn nấu món chay. Lúc này đây, có lẽ bà bắt đầu nhen nhóm ý định sống một cuộc đời cho riêng mình khi con cái đã yên bề.
Bà từng tiết lộ, bà tích cực dạy nấu ăn, xuất bản sách, mở nhà hàng cũng vì muốn kiếm tiền lo cho gia đình và muốn con cái có việc làm ổn định.
Về phần bà, dẫu nấu ăn ngon là thế nhưng bà không thích ăn ngon. Phải nói là bà rất ghét ăn uống. Đối với bà, miếng ăn giấc ngủ không phải là cái gì hấp dẫn đến mức phải bận tâm.
Thức ăn hàng ngày của bà rất đơn giản. Gọi chính xác là đạm bạc. Chỉ có cơm, đậu bắp luộc chấm nước tương, canh rau nấu chay. Bà không thích ăn thịt cá gì. Bà cố gắng tìm tòi nấu cho ngon chỉ vì muốn làm hài lòng chồng (trước khi ly hôn, chồng bà là một người khó tính trong việc ăn uống).
Ngoài ra, thật sự thì bà cũng cảm thấy hạnh phúc khi người khác khen ngợi món ăn do mình làm.
Niềm vui, hạnh phúc và sự cố gắng của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân dường như đều bị phụ thuộc bởi người khác. Bà sống một cuộc đời rỗng, không có thứ gì của riêng mình. Một đời vay mượn chỉ đợi chờ được thoát ra.
Năm 2012, bà Quy y Tam Bảo tại tu viện Vĩnh Nghiêm (Quận 12, TP.HCM) với pháp danh Diệu Tịnh. Bà kể mỗi lần nghĩ tới pháp danh này là bà có được cảm giác tĩnh tại, bình an, quên đi hết những khổ đau trong cả một đoạn đời đã đi qua.
Con trai cả qua đời và cơ duyên nương mình bên cửa Phật
Năm 2014, con trai cả của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đột ngột qua đời. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Cú sốc này có thể nói là cực kỳ lớn với bất kỳ người mẹ nào chứ không riêng gì bà.
Hy sinh mọi thứ chỉ mong con lớn lên an lành, thế mà vào một ngày không ai hay, con trai của bà lại ra đi mãi mãi. Bà buồn rất nhiều, gần như suy sụp. Bà thương nhớ con đến mức nhiều tháng sau khi con đi vẫn chưa có lấy một giấc ngủ ngon.
Rồi bà tìm đến sự an lạc trong lòng bằng cách nương nhờ nơi cửa Phật. Giai đoạn ấy bà rất hay đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt để giúp nấu chay trong bếp.
Rồi cơ duyên cũng đến, trong một lần bà được đảnh lễ Sư Ông Trúc Lâm - Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Sư Ông đặt tay lên trán bà và nói một câu khiến bà suy nghĩ mãi: “Sao con buồn vậy, buông đi con”.
Nhiều đêm tìm lời giải cho câu nói ấy, buông? Bà có nắm gì đâu mà buông? Sau nhiều đêm, cuối cùng bà cũng hiểu ra được, buông ở đây là buông đi những cảm xúc thống khổ của bản thân, buông những hỉ nộ ái ố tham sân si hận thường nhật, buông cả cảm giác nhung nhớ con trai đã qua đời, sinh lão bệnh tử không ai tránh khỏi. Giống như giải được công án trong nhà Phật, bà liền tỉnh ngộ.
Đến nay, khi duyên đã chín mùi, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân quyết định xuống tóc xuất gia để sống trọn vẹn đời đạo mà bà mong muốn suốt mấy chục năm qua.
Giống như kẻ cùng tử trong kinh Pháp Hoa, cuối cùng bà cũng đã tìm được hạt châu quý trong túi áo. Cả một đời hy sinh và cố gắng đủ rồi, mong bà an lạc trên con đường tu tập thân tâm, nương mình bên cửa Phật…